Nhiều hành động thiết thực giữ chân người lao động tại Bình Dương​

Để giữ chân người lao động, tổ chức công đoàn cũng như rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện tốt các chế độ phúc lợi chăm lo đời sống kinh tế cũng như tinh thần cho công nhân lao động.
nguoi-lao-dong-22022023b-1677040987.jpg
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sữa Việt Nam (Vinamilk), thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Doanh nghiệp tổ chức các buổi trò chuyện, mời chuyên gia tâm lý có uy tín đến chia sẻ cách ứng xử, kỹ năng sống cho công nhân, hoặc các hoạt động lì xì, thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn… đã tạo sự gắn bó lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp.

Hành động thiết thực

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Apparel Far Eastern Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I, thành phố Thuận An), hơn 4.500 công nhân được doanh nghiệp chăm lo các chế độ, như: Hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, phụ nữ có con nhỏ, tiền chuyên cần. Bên cạnh mức lương cơ bản theo quy định, mỗi quý công ty tổ chức thi tay nghề một lần để nâng lương. Nếu ai đạt yêu cầu được nâng một bậc lương tương ứng với 250.000 đồng, không phân biệt người cũ hay mới. Công nhân nào không đạt thì quý sau thi tiếp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Bowker Việt Nam (thành phố Thuận An) cũng là một doanh nghiệp tích cực tạo động lực trong thi đua, sản xuất; đồng thời giúp người lao động có mức thu nhập tốt hơn, để từ đó doanh nghiệp có đội ngũ nhân lực chất lượng hơn. Bà Hà Bình, Giám đốc nhân sự Công ty trách nhiệm hữu hạn Bowker Việt Nam cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm, công ty đã tổ chức hoạt động chăm lo cho người lao động, như: tổ chức bốc thăm trúng thưởng những món quà có giá trị, tặng quà, lì xì 450.000 đồng/người. Với mong muốn ổn định đời sống người lao động, công ty đang tiếp cận các thị trường mới để tìm kiếm đơn hàng, duy trì chế độ đãi ngộ để họ an tâm làm việc. Công ty cũng thực hiện xét khen thưởng công nhân có thành tích trong lao động, sản xuất.

Thời gian qua, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên công đoàn, người lao động. Phương pháp tuyên truyền được đổi mới, linh hoạt với thời gian, địa điểm phù hợp đặc thù của từng đơn vị, doanh nghiệp để không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp, đời sống, thu nhập của người lao động, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, 100% công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc đã triển khai các nội dung tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động tránh xa các tệ nạn xã hội, “Nói không với ma túy”...

Ông Bùi Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ tư vấn cho hàng chục ngàn lượt đoàn viên công đoàn, người lao động liên quan đến các chế độ, chính sách pháp luật. Năm 2022, trung tâm đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi tập trung đông công nhân lao động ở trọ để tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội về ma túy... Công tác tuyên truyền hướng mạnh vào công nhân lao động trẻ, vì phần lớn đối tượng này chưa nhiều kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy.

Kết nối cung-cầu lao động

nguoi-lao-dong-22022023c-1677040987.jpg
Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh minh họa: Chí Tưởng/TTXVN

Năm 2022, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đã tập trung chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã đề xuất và UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ 46.500 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 46,5 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 5.662 vé tàu hỏa khứ hồi cho công nhân lao động với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng; Liên đoàn Lao động huyện, thị, thành phố, công đoàn ngành và tương đương cũng dành 1,89 tỷ đồng, hỗ trợ 2.700 vé ô tô cho công nhân hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết ...

Đặc biệt, trước nhu cầu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động từ 10.000 đến 15.000 lao động trong quý I/2023, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động, phối hợp với ngành lao động tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến; các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 đề ra, nhất là thực hiện hiệu quả chỉ tiêu phát triển đoàn viên mới, thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở và tổ chức thành công đại hội công đoàn các cấp hướng tới Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương, nhiệm kỳ 2023-2028.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tiếp tục tuyên truyền vận động đoàn viên, công nhân lao động tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm sáng tạo chiến thắng đại dịch COVID-19”; phát động các phong trào thi đua, chào mừng đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động. Lực lượng công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh có trên 1,2 triệu người (tăng 12 lần so với năm 1997). Đa số lao động có tuổi đời bình quân trẻ; có trình độ học vấn và nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo với nhiều hình thức đạt trên 76%. Công đoàn Bình Dương đã thành lập được trên 4.022 Công đoàn cơ sở, với hơn 807.000 đoàn viên công đoàn...