Luật Việc làm sửa đổi mở ra nhiều cơ hội tới người lao động

Đinh Thảo
Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động giúp đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững. Ngoài ra việc sửa đổi, bổ sung sẽ mở ra nhiều cơ hội tới lao động nữ.
nguoi-lao-dong-1676256313.jpg
4 nhóm chính sách trong Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người lao động (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cùng với Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm sửa đổi sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động…

Mới đây, tại phiên họp chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết năm nay Bộ tập trung sửa đổi Luật Lao động, Luật BHXH; Luật Việc làm. Theo đó, Luật Việc làm sẽ sửa đổi ở 4 nội dung chính gồm: Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững…

Cụ thể, Nhóm chính sách 1, quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Luật sửa đổi nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nhóm chính sách 2, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp; sửa đổi quy định liên quan chưa tìm được việc làm sau 15 ngày).

Nhóm chính sách 3, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Lần sửa đổi này quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Nhóm chính sách 4, thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Mục tiêu nhóm chính sách này hướng tới là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

Chính sách này quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu; hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.

Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở ra nhiều cơ hội tới người lao động nhất là lao động nữ

Luật Việc làm sửa đổi hướng tới bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề; công bổ tình hình triển vọng việc làm; Về dịch vụ việc làm như hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng…

Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho lao động nữ được tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp, từ đó, tìm kiếm việc làm, học nghề phù hợp khả năng, nguyện vọng, tự chủ về tài chính, tự tin hơn trong cuộc sống. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Trước sự phát triển nhanh của nền kinh tế số; đồng thời nước ta có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới; tuy vậy, chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các quy định về việc làm với lao động nông thôn, nhất là lao động nữ lớn tuổi; đặc biệt chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp.

Thực tế cho thấy, lao động phi chính thức là nữ giới chiếm số lượng tương đối lớn, thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên 4 khía cạnh: Việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình. Do vậy, giải pháp này sẽ góp phần tạo cơ hội, điều kiện cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ, được tiếp cận với chính sách chính thức hóa việc làm, được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ về pháp lý, đào tạo nghề, tham gia BHXH tự nguyện, được cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm.

Luật Việc làm với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp... một cách dễ dàng, thuận tiện. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp... thông qua các trung tâm này cũng giúp cho hàng triệu người lao động trên cả nước được thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, việc kết nối cung - cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm cả trực tuyến và trực tiếp. Mô hình này không chỉ hỗ trợ lao động tìm việc, quay lại thị trường lao động mà còn giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Phương Thảo - TH