158 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 lao động trong phiên giao dịch việc làm

Đinh Thảo
Sáng ngày 9/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm 9 tỉnh, thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch này có tới 158 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 lao động.
phien-giao-dich-viec-lam-1675934774.jpg
Tổ chức phiên giao dịch việc làm cho 9 tỉnh phía Bắc (Ảnh: Báo Nhân dân)

Các tỉnh, thành phố phối hợp với Hà Nội trong công tác kết nối, tổ chức phiên giao dịch việc làm lần này gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Tại phiên giao dịch, 158 doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển khoảng 60.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề: Điện tử, may mặc, cơ khí. Trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đăng thông tin vị trí việc làm cần tuyển, mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để lao động lựa chọn.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp chiếm tới 97%, tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, đại học chiếm 2%, công nhân kỹ thuật và trung cấp chiếm 1%. Đặc biệt, mức lương tuyển dụng khá cao, từ 10-15 triệu đồng/tháng chiếm tới gần 50%, trên 15 triệu đồng/tháng chiếm 19%, từ 7-10 triệu đồng/tháng chiếm 6%, từ 5-7 triệu đồng/tháng chiếm 11%, thoả thuận chiếm 5%.

Trong các địa phương tham gia, Bắc Giang là địa phương có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 44.789 chỉ tiêu tuyển dụng.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, qua khảo sát năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 60.000 vị trí việc làm; riêng quý I nhu cầu tuyển dụng là 23.000 vị trí việc làm, đa dạng ở tất cả các ngành nghề.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 305 nghìn lao động. Trung bình mỗi năm Bắc Giang tạo việc làm mới cho gần 40.000 lao động.

Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chủ yếu thuộc khối FDI do mới đi vào hoạt động hoặc mở rộng sản xuất, tập trung ở hai ngành nghề là điện tử và may mặc.

Tại Hà Nội, Sàn giao dịch Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và 14 sàn vệ tinh trên địa bàn thành phố có 38 doanh nghiệp tham gia, với 1.139 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, có 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất (47,3%), còn lại, 52,7% thuộc các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, xây dựng, giáo dục…

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ tới 57% với 650 lao động; lao động có trình độ trung cấp-công nhân kỹ thuật có 259 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 22,7%; lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có 230 lao động, chiếm tỷ lệ 20,3%.

Về mức thu nhập, có 251 chỉ tiêu với mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng nằm trong nhóm chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí như kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng có 482 chỉ tiêu, dành cho các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề...

Có 285 chỉ tiêu với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime…

Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 11 chỉ tiêu, do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.

Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội chủ yếu ở độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi với 507 chỉ tiêu. Đây là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc, qua đó, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến là một hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới.

Phương Thảo - TH