Các doanh nghiệp ở Bắc Giang cần tuyển dụng trên 17.000 lao động dịp cuối năm

Đinh Thảo
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn có trên 7,1 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng trên 306 nghìn lao động.
bac-giang-291222-1672301026.jpg
Lao động ứng tuyển vào các vị trí tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang. Ảnh: ldld.bacgiang.gov.vn

Dịp cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở Bắc Giang là 17.170 lao động (chủ yếu là lao động phổ thông chiếm 99%). Trong đó, ngành điện, điện tử có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất, chiếm 80%; tiếp đến là ngành dệt may, da giày chiếm 10% và ngành sản xuất từ gỗ, tre, hóa chất, nhựa là 10%. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động dịp cuối năm là để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các đơn hàng phát sinh.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Smart Tech Vina (Khu công nghiệp Đình Trám, Việt Yên) chuyên sản xuất, gia công linh kiện điện thoại đang có nhu cầu tuyển dụng 100 công nhân. Theo thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp, công nhân không cần có tay nghề, yêu cầu tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhanh nhẹn, có trách nhiệm trong công việc, có thể tăng ca. Mức lương sẽ theo thỏa thuận và được đảm bảo mọi chế độ, quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Telstar Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên) hoạt động trong lĩnh vực điện tử đang có nhu cầu tuyển dụng 100 công nhân nữ (từ 18 - 35 tuổi), chăm chỉ, chịu khó, có thể tăng ca làm đêm. Mức thu nhập doanh nghiệp đưa ra khá hấp dẫn từ 9-13 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu có nhu cầu cho người lao động nghỉ việc hoặc giãn việc. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, đến nay có gần 16 nghìn lao động phải giãn việc, giảm giờ làm; trên 3,8 nghìn lao động mất việc. Số lao động bị cắt giảm, cho nghỉ việc chủ yếu là lao động phổ thông. Ngành có số lao động giảm nhiều nhất là ngành điện, điện tử chiếm 98%.

Trước tình trạng nhiều lao động mất việc làm, ngành lao động tỉnh đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động như: Giới thiệu việc làm mới; giải quyết chế độ thất nghiệp; đẩy mạnh tổ chức các sàn giao dịch, ngày hội việc làm; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với công nhân, sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.