Nhiều chủ tàu lo lắng vì thiếu lao động đi biển

Đinh Thảo
Tình trạng thiếu lao động nghề biển đang diễn ra phổ biến tại tỉnh Khánh Hòa, khiến các chủ tàu cá gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, thậm chí phải tìm đến các tỉnh lân cận để tuyển nhân công.
lao-dong-nghe-bien-2022023-1676951894.jpg
Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN

Dù đang là mùa cao điểm đánh bắt hải sản nhưng nhiều tàu ở cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang (cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ) phải "nằm bờ" vì thiếu lao động. Tình trạng nhiều tàu cá ra khơi không đủ lao động có tay nghề, diễn ra phổ biến những năm gần đây nhưng đến nay chưa có giải pháp tháo gỡ.

Trước mỗi chuyển ra khơi bám biển đánh bắt hải sản, các chủ tàu ở cảng Hòn Rớ lại đi khắp nơi để tìm lao động. Đang chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến ra khơi, Ông Đinh Văn Nam, chủ tàu KH 91916 TS (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) cho biết, vài năm gần đây nhân công đi biển rất khan hiếm, để giữ chân, chủ tàu phải cho họ mượn tiền từ 3 - 4 triệu đồng nhưng sau đó mất liên lạc.

Tình trạng chủ tàu mất tiền tạm ứng mà sau đó không có người đi ngày càng phổ biến. Nhiều tàu cá gặp phải tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động chuyên nghiệp khi chuẩn bị xong đá lạnh, xăng dầu chuẩn bị ra khơi thi người lao động trốn đi, mất liên lạc dù đã nhận tiền trước.

Ngoài ra, việc sử dụng lao động không chuyên nghiệp cũng ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt. Một chủ tàu cá khác cho biết, hầu hết những lao động nghề cá không chuyên thường dễ bị say sóng, gặp những trường hợp như thế những thuyền viên còn lại trên tàu phải làm việc thay. Riêng đối với nghề câu cá ngừ đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao, lao động không chuyên thì không thể đáp ứng được. Đây là lý do vì sao nhiều tàu cá đánh bắt bị giảm năng suất sau mỗi chuyến ra khơi.

Trong khi đó, ông Lê Đăng Tiến, Phó Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho biết, trong năm nay, số lượng tàu đánh bắt cá xa bờ đã giảm xuống còn 30% so với năm trước. Nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, việc tìm kiếm nhân công (bạn tàu) cũng gặp nhiều khó khăn, do sự khan hiếm lao động khiến cho một số chủ tàu phải ứng tiền trước cho người lao động để có thể đi biển. Trong tháng 2 này, số lượng tàu đánh bắt hải sản ra khơi đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 40 tàu mỗi ngày.

Cụ thể, tàu câu cá ngừ đi biển cần ít nhất 6 lao động nhưng hiện nay thiếu lao động, nên có 4 lao động vẫn phải đi; những tàu lưới rê, lưới vây khơi khai thác cá ngừ vằn cần 12 người nhưng khi tìm được 8 - 9 lao động là chủ tàu vẫn ra khơi.

Thời gian qua, nhiều chuyến biển chủ tàu thua lỗ, không có lợi nhuận, chính vì vậy người lao động cũng không được hỗ trợ, hoặc chủ tàu chỉ hỗ trợ một phần nhỏ để giữ chân lao động. Hiện nay, việc áp dụng công nghệ, ngư cụ khai thác hiện đại trên các tàu cá vẫn chưa nhiều nên các tàu cá vẫn cần nhiều lao động trong mỗi chuyến biển. Để giữ chân lao động nghề biển phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập, điều kiện làm việc cho người lao động, muốn vậy phải nâng cao được hiệu quả chuyến biển.

Theo một số chủ tàu ở cảng Hòn Rớ, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động đi biển ở Khánh Hòa có thể kể đến như: lao động được thu hút sang các lĩnh vực khác như du lịch, xây dựng, dịch vụ...; điều kiện làm việc trên biển gian khổ, khó khăn, nguy hiểm và thường xuyên xa gia đình; thu nhập không cao, chế độ bảo hiểm xã hội hầu như không thực hiện.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết: "Trong định hướng phát triển ngành khai thác thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của tỉnh, ngành khai thác thủy sản sẽ giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi, nâng cao hiệu quả khai thác. Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao thu nhập, đời sống cho lao động nghề biển. Cùng với đó, khuyến khích các chủ tàu áp dụng khoa học công nghệ, ngư cụ, trang thiết bị hàng hải hiện đại trên các tàu khai thác để giảm số lượng lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho lao động khai thác thủy sản. Trước thực trạng chuyển dịch lao động nghề biển như hiện nay, cần phải có chính sách để thu hút, đào tạo lao động nghề biển; ổn định đời sống, nâng mức thu nhập của ngư dân".

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 683 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác thủy sản ở vùng xa bờ. Ngành khai thác thủy sản đã tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động; trong đó có khoảng 10.000 lao động trực tiếp khai thác trên các tàu xa bờ.