Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành. Trong khi, nguồn lao động chất lượng cao lại chưa đáp ứng đủ của các doanh nghiệp.
Ngày 23-12, hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp" đã tập trung các vấn đề xoay quanh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Xuân Hùng, vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cho biết: "Năm 2021, các hoạt động đào tạo vẫn duy trì thực hiện nhằm cung ứng nguồn nhân lực lao động cho các doanh nghiệp và thị trường lao động. Từ đó góp phần làm giảm nguy cơ thiếu hụt nhân lực lao động khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới".
Hội thảo cũng chỉ rõ tầm quan trọng của việc gắn kết chặt chẽ giữa 3 "Nhà": Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Việc phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cũng giúp doanh nghiệp có nguồn lao động như mong muốn, tăng nhân lực lao động cho doanh nghiệp khi người học đến học, thực hành và làm việc ngay tại doanh nghiệp.
Để thúc đẩy sự liên kết giữa 3 "Nhà", Chính phủ đã có nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bà Trần Thị Lan Anh, giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI), cho biết hiện Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách như giảm trừ thuế, ưu đãi thuế nhưng đến nay những hỗ trợ này chưa đến được với doanh nghiệp. Cần giúp doanh nghiệp tiếp cận được những chính sách hỗ trợ này là điều quan trọng.