Đầu tiên là xu hướng người đi làm mong muốn hình thức làm việc kết hợp - Hybrid Work (linh hoạt giữa làm ở nhà và làm ở công sở) sau đại dịch gia tăng mạnh mẽ trên khắp thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo đó, kết quả khảo sát trực tuyến do Anphabe thực hiện từ tháng 5 - 8/2021với hơn 65.213 người đi làm có kinh nghiệm thuộc 20 ngành nghề ghi nhận chỉ 40% người đi làm tri thức mong muốn quay lại công sở hoàn toàn, có đến 56% ưu tiên chọn hình thức làm việc kết hợp. Đáng chú ý, có 4% chọn sẽ nghỉ việc luôn để chuyển sang công việc tự do và nhờ đó được linh hoạt chọn nơi làm việc.
Hình thức làm việc kết hợp tạo ra sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn uống và tạo cảm giác thoải mái cho người đi làm, đồng thời hạn chế được những bất cập khi làm việc từ xa hoàn toàn như thiếu giao tiếp với đồng nghiệp, bị phân tâm, buồn chán vì ở nhà quá lâu. Vì thế, trong nhóm nhân viên thích làm việc kết hợp, cứ 10 người có 8 người sẵn sàng giảm lương để có được hình thức làm việc này, với mức chấp nhận giảm trung bình là 6,6% thu nhập.
Khảo sát cũng chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về nhu cầu tại nhóm các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên vẫn đi làm trong giai đoạn giãn cách, phần nhiều do tính chất công việc nhưng cũng không hiếm trường hợp do lãnh đạo cấp cao vẫn chỉ quen khi nhân viên phải có mặt ở văn phòng. Do vậy, không phải ngẫu nhiên khi tỷ lệ nhân viên muốn nghỉ việc để trở thành lao động tự do tại các doanh nghiệp này là cao nhất, gấp 2 lần nhóm nhân viên được làm việc tại nhà và gấp 3 lần nhóm được làm việc kết hợp trong giai đoạn giãn cách.
Đối với xu hướng chuyển dịch từ chỉ làm một công việc toàn thời gian tại một công ty cố định (Full-time Worker) sang làm việc tự do - chỉ nhận dự án độc lập, freelance, cộng tác viên ngắn hạn, không ký hợp đồng cố định, đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát từ Anphabe, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian (Fully Gig Worker). Bên cạnh đó, nhóm lao động tự do bán thời gian (Partly Gig Worker) cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, với 26% người làm công việc cố định vẫn sẵn sàng nhận việc tự do bên ngoài khi phù hợp và 13% vẫn làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài như dạy tiếng Anh sau giờ làm, bán hàng online, bán bảo hiểm, … Như vậy, hiện có tới 53% nguồn nhân lực tri thức đã tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (Gig economy - nền kinh tế có sự tham gia đông đảo của lực lương lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng.)
Trong thời gian tới, do ảnh hưởng từ Covid-19, số lượng người làm việc tự do toàn thời gian dự kiến giảm 1% còn 13% do một số người muốn kiếm việc ổn định hơn; nhưng số làm việc tự do bán thời gian sẽ tăng từ 39% lên 44%, nâng tổng số nguồn nhân lực tri thức tại VN có tham gia vào nền kinh tế chia sẻ lên 57%, thể hiện rõ ràng xu hướng này.
Với xu hướng thứ ba là cơn bão “Nghỉ việc ồ ạt” và sự trỗi dậy của nhóm “Siêu nhảy việc” gây xáo trộn nguồn nhân lực. Theo Anphabe, có một nghịch lý đang diễn ra trong nguồn nhân lực: Dù tỷ lệ thất nghiệp đang cao (chiếm 2,52% nguồn nhân lực), tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cũng vô cùng cao, cứ 10 người, có tới 6 người đang chủ động tìm kiếm công việc mới. Nghịch lý này càn quét từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á và bây giờ là Việt Nam, với tên gọi chung là The Great Resignation – trào lưu nghỉ việc ồ ạt.
Lý giải cho hiện tượng này, khảo sát của Anphabe chỉ ra nhiều nhóm nguyên nhân có liên quan trực tiếp tới Covid-19 như biến động ngành nghề, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc căng thẳng và mất cân bằng, hay mất kết nối với đồng nghiệp và mất gắn kết với công ty... Do đó, dù tỷ lệ thất nghiệp đang cao, cơ hội tìm việc mới không dễ, nhưng thực tế đó vẫn khó níu chân những người lao động muốn nghỉ việc.
Một nguyên nhân khác tác động mạnh mẽ đến làn sóng nghỉ việc ồ ạt sau khi thị trường dần mở cửa là tình trạng nhân viên “siêu nhảy việc” gia tăng độ biến sau thời gian dài “án binh bất động” do ảnh hưởng của Covid-19. Anphabe ghi nhận, nguồn nhân lực VN hiện có 17% thuộc nhóm siêu nhảy việc (Job Hopper - nhóm nhân viên có xu hướng chuyển việc nhanh gấp 2 lần so với trung bình những nhân sự cùng nhóm tuổi), 19% là thuộc nhóm siêu trung thành (nhóm nhân viên có thời gian gắn bó trung bình với công ty lâu gấp 2 lần những người cùng nhóm tuổi khác), còn lại 64% được coi là nhóm tiêu chuẩn. Trong suy nghĩ của siêu nhảy việc, thời gian lý tưởng để gắn kết với một doanh nghiệp chỉ là khoảng 2 năm, ngắn hơn nhiều so với nhóm tiêu chuẩn là 4.5 năm và nhóm siêu trung thành là 12 năm.
Nếu nhìn vào những nguyên nhân nghỉ việc có liên quan tới Covid-19 ở trên, tất nhiên nhóm siêu nhảy việc cũng bị ảnh hưởng và họ sẽ là những người đầu tiên nghĩ tới việc ra đi. Và khi mọi thứ dần mở cửa, thị trường tuyển dụng ấm dần lên, đó cũng là lúc “vi rút nghỉ việc” ở nhóm siêu nhảy việc (Job Hopper) được kích hoạt trở lại và sẽ hoạt động tích cực hơn để bù lại khoảng thời gian im ắng vừa qua.
Đáng chú ý, Khảo sát của Anphabe cũng cho thấy nhóm “siêu nhảy việc” có ở mọi thế hệ và thành phần người đi làm, gen Z và gen X có tỷ lệ nhân viên siêu nhảy việc nhiều hơn gen Y. Điểm nóng nhảy việc tập trung nhiều hơn ở các ngành công nghệ thông tin/ phần mềm & ứng dụng/ thương mại điện tử, ngành quảng cáo/ truyền thông/ giải trí và ngành dịch vụ tài chính. Trong đó, nhóm siêu nhảy việc đang tích cực tìm kiếm cơ hội mới nhất nằm ở các ngành dược/ thiết bị y tế/ chăm sóc sức khỏe, ngành nông nghiệp/ lâm nghiệp/ thủy sản và ngành kỹ thuật/ máy móc/ cơ khí công nghiệp.
Dự báo, với ảnh hưởng kéo dài của Covid-19, không chỉ nhóm “siêu nhảy việc” mà cả nhóm nhân viên tiêu chuẩn cũng dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ dao động và dứt áo ra đi. Do đó, doanh nghiệp cần có những hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần để hỗ trợ nhân viên vượt qua những “chông chênh” trong giai đoạn này, cũng như hạn chế thất thoát đáng tiếc cho tổ chức.
“Ba dịch chuyển lớn nói trên chắc chắn sẽ tạo nên những đứt gãy khó tránh khỏi cho doanh nghiệp. Thích ứng với Big Shift - Những dịch chuyển lớn của môi trường, Anphabe hy vọng rằng chúng ta sẽ có Big Leap - những bước nhảy xa trong việc định hướng tương lai công việc & chiến lược nguồn nhân lực: Từ tập trung vào văn phòng sang tập trung về con người; Từ nguồn nhân lực cố định sang nguồn lực mở rộng, có sử dụng Gig workers một cách linh hoạt và Từ các chính sách, chiến lược hướng về hiệu suất, sang kích hoạt thêm sự can trường trong khó khăn” - Bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe chia sẻ.