Lắng nghe người dân hiến kế: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Lương Đàm
Gắn giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng thành phố thông minh không còn là khái niệm mà là chiến lược, khát vọng và phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ

Giáo dục thông minh là xu thế mới của giáo dục hiện đại nhằm xây dựng quốc gia thông minh. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đẩy mạnh mô hình trường học thông minh là nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội thông minh, thành phố thông minh trong tương lai.

Nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng tăng

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn FDI vào Việt Nam đến ngày 20-3-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,1 tỉ USD, tăng 18,5% so cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI năm 1995 chỉ khoảng 330.000 người, đến năm 2020 lên khoảng 6,5 triệu người. Ðáng chú ý, ngoài việc gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động địa phương, nguồn lao động đã có sự chuyển dịch cơ cấu rất rõ từ các ngành sử dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao.

Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy tỉ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ, logistics, điện tử, cơ khí... gia tăng nhanh chóng.

Nguồn nhân lực ngoài việc phải có chuyên môn còn buộc phải có nhiều kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo… Như vậy, muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, lao động Việt Nam phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, áp dụng công nghệ mới, không ngừng phát triển kỹ năng... Nếu không ý thức được điều này, chúng ta sẽ thua ngay trên "sân nhà".

12-hinh-chot-1640091584704292347117-1640227928.jpg
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh quận 1, TP Hồ Chí Minh

Thay đổi tư duy, phương thức đào tạo

Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời đại, TP Hồ Chí Minh có thể lập ngân sách phát triển nguồn nhân lực. Doanh nghiệp và các trường đại học cần có sự kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó, thành phố cũng có thể thu hút nhân tài từ nước ngoài muốn đến TP Hồ Chí Minh làm việc. Phải thay đổi tư duy và phương thức trong việc đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng.

Thành phố phải tập trung đẩy mạnh công tác "đào tạo kép", thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động; hình thành tư duy, ý thức khởi nghiệp cho học sinh sau đào tạo nghề nghiệp.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ là việc cần tính đến.

Các trường cần gia tăng đàm phán, hợp tác, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, hoàn thiện công tác tự đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo làm cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, khi chuyển sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu, cộng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế, nguồn nhân lực trình độ cao biết sử dụng ngoại ngữ gồm có tiếng Anh đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, có thể tiến tới hoạt động dạy song ngữ, điều mà chúng ta từng làm rất tốt trước đây.

Nền tảng giáo dục đi trước đạt được yêu cầu, đáp ứng được việc tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế chính là tiền đề quan trọng đi đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Có một số yếu tố chính tác động lên các chiến lược đô thị thông minh ở TP Hồ Chí Minh là tốc độ đô thị hóa, mật độ dân cư, quy mô đô thị, thu nhập bình quân, con người thông minh. Dù là yếu tố nào thì con người vẫn luôn ở vị trí trung tâm.

Nguồn nhân lực chất lượng cao - thấp là phản ánh tổng hòa của nhiều yếu tố, khiến cho chiến lược thành phố thông minh có đạt được hay không, thành hay bại.

Do đó gắn giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng thành phố thông minh không còn là khái niệm mà là chiến lược, khát vọng và phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, nhất là trong thời kỳ thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sau biến cố đại dịch Covid-19.