PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo. Cùng Chủ trì Hội thảo tại các điểm cầu có: PGS,TS. Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS. Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I; Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai; Đồng chí Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định, then chốt, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương. Ở khu vực miền núi nước ta, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là nhân tố trung tâm có vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Tây Bắc vẫn là khu vực có kinh tế chậm phát triển so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhân lực dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế… Trong thời đại cách mạng 4.0, khi cơ cấu thị trường lao động, việc làm đang thay đổi mạnh mẽ thì việc phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc càng trở nên cấp bách.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, kể từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nên trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực địa phương đã được cải thiện đáng kể. Phát triển nguồn nhân lực tại Lào Cai được xác định ngay từ việc phát triển hệ thống đào tạo phổ thông, đây là bước quan trọng để tạo đà cho các bước tiếp theo, do đó hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên, giảng viên luôn được quan tâm chăm lo. Tỉnh Lào Cai cũng có nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; công tác giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng; hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm từng bước được hình thành, đáp ứng nhu cầu của người lao động và sử dụng lao động....
Với hơn 50 bài viết và nhiều ý kiến tham luận trực tiếp, Hội thảo đã tập trung thảo luận, phân tích thực trạng, đánh giá về cơ hội, thách thức, đưa ra giải pháp trong phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc; chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân và các vấn đề đang đặt ra hiện nay; chính sách khuyến khích, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tự lực vươn lên, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Bắc.
Thông qua Hội thảo, nhiều giải pháp đã được đề cập đến như cần xây dựng chiến lược dài hạn phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La... Xây dựng một quy hoạch tổng thể, hình thành đúng các vùng chức năng “khu vực kinh tế hiện đại”; Ban Chấp hành Đảng bộ cần ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển tri thức, doanh nhân, nhà nông lâm chuyên nghiệp của tỉnh Lào Cai đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Ủy ban Nhân dân tỉnh cần xây dựng các đề án với các chỉ tiêu cụ thể phát triển từng loại hình nhân lực của tỉnh.. từ đó thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng phát triển nguồn nhân lực các tỉnh Tây Bắc có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong điều kiện hội nhập.
BBT