Cố nhiên không phải cả trăm bài thơ đều mang chất thơ. Có những bài mang chất thép nhưng lại xa chất thơ; giữa chất thép và chất thơ không phải bài nào cũng tìm được sự hòa nhập, hòa điệu. Nếu quan niệm Nhật ký trong tù là một chỉnh thể nghệ thuật thì sự gắn nối cơ bản là ở chỗ con người cách mạng Hồ Chí Minh ở đây, hơn bất cứ tác phẩm nào khác, đã tìm được sự hiện thân, sự hóa thân trong một nhân vật trữ tình, dồi dào phẩm chất nghệ sĩ. Nhà cách mạng trong hoàn cảnh không còn đất cho sự hoạt động đã chuyển sang hoạt động của nhân vật trữ tình. Chính trong nhân vật trữ tình, không chỉ phẩm chất cách mạng mà toàn bộ phẩm chất người ở trạng thái hồn nhiên, trọn vẹn của nó đã làm tôn lên và hài hòa với phẩm chất cách mạng. Như vậy cái gây nên sự “thiệt thòi” cho nhà cách mạng, đã lại cho ta sự đền bù - có một nhà thơ.
Nếu chất thép là cần vì sự định hướng cao cả và triệt để cho hoạt động của con người nhằm vào cái tốt, cái thiện; thì chất thơ lại cần cho sự phát triển và hoàn thiện con người, như một sản phẩm tự nhiên và xã hội nhằm vào cái Đẹp. Có cái trước đề có cái sau. Có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của cái trước, nhưng cái sau lại là hệ quả, là mục tiêu mà con người cần theo đuổi. Những ai nói đến Hồ Chí Minh như là người theo đuổi đến cùng mục tiêu cách mạng, nếu có dịp dừng lại, đi sâu vào phẩm chất nghệ sĩ này sẽ thấy đó là con người luôn tạo được thế hài hòa, luôn luôn tìm được sự bù đắp cho mình, sự thư giãn cho mình trong những hoàn cảnh gieo neo, khốc liệt. Và đó chính là biểu hiện, là bản lĩnh của sự kết hợp giữa người chiến sĩ và nghệ sĩ.
Trên hướng khai thác này, hẳn có thể còn có bao điều để nói về Con người Hồ Chí Minh. Nhưng hãy trở lại Nhật ký trong tù với chất thơ của tác phẩm và phẩm chất thi sĩ ở tác giả. Xưa nay có văn là có người (cố nhiên phải là thứ văn chương chân chính). Nhưng có nhiều loại văn. Và trong văn, con người hiện ra rất khác nhau. Có văn khẩu khí, có văn tự trào, tự biếm. Có văn phô trương. Có văn tâm sự. Có văn hướng về người. Có văn thu về mình... Còn Hồ Chí Minh, dường như ông không có ý định làm bất cứ thứ gì, trong các dạng kể trên. Đến cả văn, còn không có ý định:
Ngâm thơ ta vốn không ham
huống nữa là việc phô bày mình trong văn... Nhưng phải chăng với sự vô tâm đó mà văn chương đích thực đã đến, và trong khí hậu đó mà con người thí nhân đã xuất hiện. Con người, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, trên hành trình xuyên qua cái Đẹp mà hướng tới cái Chân, cái Thiện.
Con người đó, cho đến hôm nay, trong sự soát xét lại các giá trị của thời gian, vẫn nguyên vẹn sự trọn vẹn như trong câu thơ của Tố Hữu:
Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng
Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay
(Theo chân Bác)
Đâu dễ có một con người trong văn chương, nếu chưa được hoặc chưa phải là văn chương đích thực. Càng đâu dễ có một con người trọn vẹn. Không phải cái trọn vẹn của những bậc siêu nhân, mà là cái trọn vẹn của con người trần thế, để cho ta soi vào mà vững thêm niềm tin trước một cuộc sống luôn luôn thử thách không chỉ niềm tin, mà cả chất người, phẩm giá làm người.
Với Nhật ký trong tù, ta may mắn có bức chân dung tự họa của con người đó. Rồi với cuộc đời Hồ Chí Minh ta càng hiểu thêm giá trị Nhật ký trong tù. Không có độ chênh giữa tác phẩm và tác giả. Hơn, và khác với bất cứ ai khác, có thể có độ chênh ít nhiều, thậm chí có khi khác biệt giữa văn và người, với Hồ Chí Minh, con người thực là bảo đảm bằng vàng cho thơ. Dẫu vậy, thơ chỉ nói được một phần nhỏ về người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng thơ, để hiểu con người đó, và để hiểu rộng ra nhiều điều khác nữa; và thơ - trong những lay động sâu xa về tình cảm, và khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái cao thượng... như trong Nhật ký trong tù lại là một sản phẩm quý giá, thật quý giá, không gì thay thế được, càng không gì so sánh được.