Nhà văn hóa lớn, nhà thơ Lê Thánh Tông (Phần 1)

Đinh Thảo
Sinh năm 1442, sau chiến thắng giặc Minh 15 năm, đúng vào năm Nguyễn Trãi nhận án tru di tam tộc; lên ngôi năm 1460, vào tuổi 18, khi triều đình truất bỏ Nghi Dân, hai thời điểm mang tính bị kịch, in dấu ấn lịch sử và có tác động quan trọng vào cốt cách và sự nghiệp Lê Thánh Tông.
vua-le-thanh-tong-2-1684120408.jpg
Nhà văn hóa lớn, nhà thơ Lê Thánh Tông (Ảnh: holevietnam.vn)

Ở ngôi suốt 38 năm (1460 - 1497), Lê Thánh Tông thuộc số vua ở ngôi vị dài trong các triều thời phong kiến Việt Nam. Còn trước đó, kể từ vua khởi nghiệp nhà Lê là Lê Thái Tổ - Lê Lợi, sinh năm 1383, lên ngôi năm 1428, ở ngôi 5 năm, qua đời năm 1433, ở tuổi 48. Con thứ Lê Nguyên Long, sinh 1423, lên ngôi Lê Thái Tông khi 10 tuổi - vào năm 1433, ở ngôi 8 năm, mất năm 1442 ở tuổi 19, gắn với vụ án Lệ Chi Viên gây thảm oan cho Nguyễn Trãi. Vị vua thứ ba là Lê Nhân Tông - Bang Cơ, con thứ của Lê Thái Tông - sinh 1441, lên ngôi khi 2 tuổi - vào năm 1443, ở ngôi 16 năm, mất 1459 ở tuổi 18, gắn với loạn Nghi Dân - là con trưởng bị phế.

Sau 2 đời vua yểu mệnh, đến Lê Tư Thành, tức Lê Thánh Tông, con thứ ba của Lê Nguyên Long, ở ngôi 38 năm, qua đời năm 1497 ở tuổi 55... Ba mươi tám năm ở ngôi, so với 29 năm gộp cả ông, cha và anh về trước, và cũng 29 năm cho 5 triều vua kế vị phía sau, đó là những năm đất nước yên bình, không còn ngoại xâm, cũng không có những tranh đoạt, tiêu diệt nội bộ để giành ngôi báu...

Đây là triều đại vươn đến đỉnh cao những thành tựu trong xây dựng nền móng cho một triều đại thịnh vượng và được lòng dân. Bốn năm sau khi ở ngôi - năm 1464, vua minh oan cho Nguyễn Trãi và ba năm sau đó, 1467, hạ lệnh cho sưu tầm sách vở nói chung, đặc biệt chú ý sách vở của Ức Trai. Năm 1469 vua cho vẽ địa đồ toàn quốc; năm 1470 đổi niên hiệu Quang Thuận sang Hồng Đức, cho ra đời Luật Hồng Đức năm 1483; và với niên hiệu này, nền thơ Nôm - Quốc âm trong buổi đầu hình thành của nó rồi sẽ có một tác phẩm đánh dấu son quan trọng cho sự phát triển trong lịch sử và lịch sử văn chương Việt.

Thế kỷ XV chứng kiến cuộc xâm lăng và ách đô hộ tuy ngắn, chỉ 20 năm, nhưng là 20 năm cực kỳ tàn bạo, với âm mưu thâm hiểm của Minh Thành Tổ là tiêu diệt tận gốc những nền móng của văn hóa Việt. Để thấy vai trò và công lao của Lê Lợi - Nguyễn Trãi trong một cuộc kháng chiến khốc liệt và vinh quang tột đỉnh, đã mở ra nhiều thập kỷ không nguôi niềm tự hào về khí thế Đại cáo bình Ngô. Một nửa thế kỷ trong dư vang chiến thắng và trong khả năng phát huy kết quả chiến thắng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước - đó chính là dấu ấn rực rỡ mà Lê Thánh Tông đã kiến tạo, kể từ lúc lên ngôi đến khi băng hà: non sông xã tắc được gìn giữ và mở mang; nhân dân yên ổn, thái bình; văn trị vũ công vững mạnh; thơ ca quốc âm dồi dào; giáo dục quốc dân hùng mạnh...

Dĩ nhiên là các triều đại phong kiến cho dù ở những thời điểm thịnh trị, đạt đỉnh điểm vinh quang cũng khó tránh những chuyện tối tăm, đau lòng như nghi kỵ, sát hại công thần; mâu thuẫn gia tộc, dòng họ; những âm mưu phản nghịch hoặc thoán đoạt ở trong cung ngoài nội... Lê Tư Thành trước khi lên được ngôi báu đã từng phải sống ngoài cung khuyết, và lên ngôi được cũng là nhờ vào yêu cầu thiết lập một trật tự mới của triều đình sau một âm mưu thoán đoạt, do phế trưởng lập thứ. Điều may mắn là lịch sử đã không chọn nhầm người, để, với Tư Thành mà kiến lập một thời ngót 40 năm thịnh trị, mang tên thời Lê Thánh Tông: Thời vua Thái Tổ, Thánh Tông - Con bế, con bồng, con dắt, con mang.

Nói một triều đại thịnh trị là nói đến sự đồng đều của võ công văn trị; nói đến những quy chuẩn trong quản lý và tổ chức xã hội, có tính nghiêm minh của phép nước phù hợp với nguyện vọng của dân; nói đến sự quan tâm cả hai mặt kinh tế và văn hóa, vật chất và tinh thần; nói tới một thời rực rỡ của văn hóa dân tộc.

Điều đáng chú ý là sau chiến thắng giặc Minh, kết thúc 20 năm mất nước, cái họa tiêu diệt văn hóa đến từ ngoại bang đã không còn, nên chúng ta gần như còn giữ được hầu hết những gì các danh nho còn để lại, trong đó có tác giả Lê Thánh Tông. Điều hứng thú Lê Thánh Tông là một ông vua hay chữ, thuở nhỏ chăm học, ham đọc khi ở ngôi có hoạt động xã hội phong phú, có tư tưởng thân dân và quan hệ rộng rãi với triều thần; ham thích đi dã ngoại; có tâm hồn phóng khoáng, cởi mở. Do vậy, hoạt động sáng tạo của Lê Thánh Tông và được thực hiện trong thời Lê Thánh Tông gồm các trước tác về học thuật và sáng tác thơ, phú, văn xuôi, cả Hán văn và Quốc âm là rất dồi dào. Văn thơ thù tạc, xướng họa trong triều ở tư thế nguyên soái của Tao đàn nhị thập bát tú là thường xuyên và phong phú đã đành, mà thơ trong các dịp dã ngoại, tức cảnh sinh tình trước non sông cẩm tú, hay đề vịnh cũng không phải hiếm. Không ít trong đó là những bài nhà vua cho khắc trên đá, và việc đó cũng là một thú vui đặc biệt khiến cho hậu thế là chúng ta hôm nay đã có thể tìm kiếm, thu gom mà nhận lại được một hồn thơ, ghi nhận gương mặt con người và đất nước Đại Việt một thời cách đây hơn nửa thiên niên kỷ.

(Còn nữa)

GS Phong Lê