Nguy cơ chuyển hóa do “diễn biến hòa bình” (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Trên lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch tiến hành nhiều thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đường lối, chính sách kinh tế, trước hết là xuyên tạc những quan điểm kinh tế cơ bản, đường lối kinh tế của quốc gia đối địch.
screenshot-1-1706714679.png
Người dân cần cảnh giác với tin xấu độc. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Đặc biệt, chúng tập trung xuyên tạc, phủ nhận đường lối phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ; phê phán những chính sách kinh tế hiện hành; tuyên truyền cho tính ưu việt của hệ thống thị trường tư bản chủ nghĩa quốc tế. Chúng cũng sử dụng nhiều biện pháp kinh tế, từ bao vây, cấm vận đến viện trợ, cho vay, xúc tiến và trao đổi thương mại, đầu tư phát triển, thuế quan..., các công cụ kinh tế như tài chính, tiền tệ, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm..., các thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế... để gây sức ép cải cách pháp luật về kinh tế và thể chế kinh tế, từng bước chi phối, kiểm soát, khống chế, chuyển hóa nền kinh tế của quốc gia đối địch, làm cho nền kinh tế mất dần tính độc lập, tự chủ, ngày càng phụ thuộc nước ngoài.

Chúng khuyến khích, hỗ trợ phát triển sở hữu tư nhân gắn với tập trung làm suy yếu, tiến tới làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, tư nhân hóa nền kinh tế, tạo môi trường kinh tế có lợi cho chủ nghĩa tư bản nước ngoài. Chúng thông qua viện trợ, đầu tư, trao đổi thương mại để xâm nhập, chiếm lĩnh những địa bàn có vị trí chiến lược, những lĩnh vực kinh tế quan trọng và nhạy cảm của quốc gia đối địch nhằm đẩy nền kinh tế trong nước vào suy yếu, khủng hoảng, tạo điều kiện thực hiện ý đồ chi phối nền kinh tế...

Cùng với cô lập và phá hoại nền kinh tế, chúng cổ vũ những cải cách kinh tế theo lối tư nhân hoá, thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, đồng thời lợi dụng việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại để đưa những thế lực không thiện chí vào làm ăn với ý đồ phá hoại về chính trị, từ “tự diễn biến” về kinh tế dẫn đến chuyển hóa làm mất vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, vô hiệu hóa quản lý kinh tế của Nhà nước.

Tất cả các mũi tấn công trên nhằm thẩm thấu và phát triển các nhân tố thiếu lành mạnh trong lòng xã hội quốc gia đối địch; thúc đẩy sự hình thành xã hội tiêu thụ dưới tác động của hàng hoá, nguồn vốn từ các nước siêu cường. Cùng với ràng buộc nền kinh tế là sự cổ suý cho lối sống tiêu dùng theo tiêu chuẩn giá trị phương Tây, hình thành tâm lý sùng bái đồng đôla, phát triển lối sống thực dụng, nhất là trong thanh niên; phát triển mạng lưới kinh tế tư nhân để hình thành các giai cấp, tầng lớp đối lập lợi ích; kích động mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo... để tạo nên “tự diễn biến” chuyển hóa sang chế độ tư bản chủ nghĩa.

images1497569-z1964658881626-0f898ed19fbdd2d647bdc9800bbe7226-1706714678.jpg
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, các thế lực thù địch tiến hành các thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận đường lối xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, hệ thống chính sách quản lý văn hóa xã hội của quốc gia đối địch. Chúng phê phán hệ thống giá trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống; lợi dụng giao lưu văn hóa để quảng bá, tuyên truyền, phổ biến những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống của xã hội tư sản phương Tây, làm phai nhạt truyền thống và bản sắc dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ.

Chúng xuyên tạc, phủ nhận, phê phán đường lối, quan điểm, chủ trương và chính sách của nhà nước về giáo dục - đào tạo; tuyên truyền cho tính ưu việt của hệ thống giáo dục - đào tạo tư bản chủ nghĩa; lợi dụng giao lưu về giáo dục - đào tạo để chuyển hóa tư tưởng, ý thức của giới trí thức, sinh viên, học sinh, thế hệ trẻ...Chúng tìm cách thúc đẩy biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp, phân tầng và phân hóa xã hội theo mô hình tư bản chủ nghĩa: lợi dụng mở cửa, đổi mới về kinh tế, văn hóa, xã hội để đưa các yếu tố ý thức hệ tư sản phương Tây vào chiếm lĩnh vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội; xây dựng và phát triển cơ sở xã hội - giai cấp, lực lượng xã hội thân phương Tây...

Đặc biệt, chúng lợi dụng những mâu thuẫn xã hội và lấy vấn đề dân tộc, tôn giáo làm “ngòi nổ” để kích động biểu tình, bạo loạn lật đổ. Trước hết, đó là triệt để lợi dụng những mâu thuẫn xã hội, tình hình khiếu kiện, đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu... để gây chia rẽ, xung đột nội bộ chính quyền và nhân dân. Chúng cũng lợi dụng những khó khăn, hạn chế của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo hoặc những yếu kém, sai lầm trong xử lý mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, lấy đó làm “ngòi nổ” kích động quần chúng biểu tình, gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng chiến lược có vấn đề dân tộc, tôn giáo phức tạp. Chúng còn thúc đẩy chia rẽ, ly khai, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài; khi gặp thời cơ, điều kiện thuận lợi có thể tổ chức hỗ trợ lực lượng phản động trong nước tiến hành bạo loạn lật đổ chính quyền...

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại, các thế lực thù địch tiến hành chống phá đường lối, chính sách quốc phòng - an ninh bằng thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận, phê phán quan điểm quốc phòng an ninh độc lập, tự chủ. Chúng xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp và tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội và công an; tuyên truyền chia rẽ giữa bộ máy lãnh đạo đất nước với quân đội và công an nhằm thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội và công an.

Chúng lợi dụng các mối quan hệ, tiếp xúc về quốc phòng - an ninh để mua chuộc lực lượng vũ trang, chuyển hóa nội bộ về nhân sự, tổ chức; lôi kéo tham gia các liên minh quân sự... Chúng cũng tập trung chống phá đường lối, chính sách đổi ngoại: xuyên tạc chủ trương và lộ trình hợp tác quốc tế của quốc gia đối địch; phá hoại, cản trở các quan hệ đối ngoại song phương và đa phương nếu các quan hệ này không phù hợp với lợi ích của các đế quốc siêu cường.

Chúng gây sức ép từ các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, chế áp đường lối độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại của quốc gia đối địch; chia rẽ với các nước láng giềng và khu vực, với các tổ chức quốc tế; làm giảm ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế... Chúng còn sẵn sàng thực hiện răn đe quân sự, can thiệp vũ trang, tiến hành chiến tranh xâm lược khi gặp điều kiện, thời cơ thuận lợi, có thể sử dụng sức mạnh quân sự từ bên ngoài thực hiện răn đe quân sự, hỗ trợ lực lượng phản động trong nước tiến hành bạo loạn giành chính quyền, tiến hành can thiệp vũ trang, hoặc rất có thể gây chiến tranh xâm lược.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến