Năng suất lao động bình quân tại TPHCM cao gấp 2,5 lần cả nước

Huyền Văn
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có năng suất lao động bình quân cao gấp 1,92 lần, riêng TPHCM cao gấp 2,5 lần cả nước.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Thành ủy TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 28/7, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) đánh giá, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn FDI đáng kể, hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu quan trọng, kể cả điện tử tiêu dùng.

Tổng số việc làm trong ngành công nghiệp tại Việt Nam tăng gấp đôi, từ 12% năm 2001 lên 27% hiện nay, với gần 15 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Dù đã làm tốt việc mở rộng lĩnh vực sản xuất, nhưng bà Carolyn Turk nhận định, việc trên chủ yếu dựa trên sự cạnh tranh ở mức lương thấp. Hầu hết các công việc sản xuất hiện tại là công việc lắp ráp cuối cùng, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị tương đối thấp.

Trong khi các nền kinh tế trên thế giới tiếp tục trải qua sự thay đổi, đột phá về công nghệ. Sự xuất hiện của các công nghệ sản xuất thông minh và tự động hóa đang thách thức lợi thế về chi phí lao động thấp.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gợi ý, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng suất, đổi mới, nâng cao chuỗi giá trị để tạo ra không chỉ nhiều việc làm hơn mà còn chất lượng hơn. Điều này đòi hỏi các quy định và quản lý kinh tế hiệu quả, cơ sở hạ tầng quy chuẩn quốc tế và lực lượng lao động trình độ cao hơn thay cho mức lương thấp.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM thông tin, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực có lực lượng lao động dồi dào nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tỷ lệ lao động chiếm 22,01%, riêng TPHCM chiếm 8,62%.

Tổng thu ngân sách của vùng đóng góp 49,99%, riêng TPHCM đóng góp 24,63% vào tổng thu ngân sách cả nước.

nlntv-1659142036.jpg
Năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,53 lần so với cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có năng suất lao động bình quân cao gấp 1,92 lần, riêng TPHCM cao gấp 2,53 lần so với cả nước. Về thu nhập bình quân trên đầu người, vùng cao hơn 1,2 lần, trong đó TPHCM cao hơn 1,54 lần cả nước.

Từ quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành phố cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp mô hình siêu đô thị trên 10 triệu dân cũng như tháo gỡ 3 nút thắt tăng trưởng về vốn, thể chế và hạ tầng giao thông nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.

Đây chính là bệ phóng để tăng năng suất lao động, huy động và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của TPHCM - ông Ngân nhấn mạnh.