Nam sinh dành hơn 100 giờ xây trường bằng game Minecraft

Huyền Văn
Chơi Minecraft từ tiểu học, Tuấn Huy không ngờ một ngày nào đó mình có thể hoàn thành công trình trường Marie Curie bằng game nổi tiếng này.

Tối thứ bảy, sau khi học xong, Nguyễn Tuấn Huy, lớp 10E3 trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội), mở điện thoại ra, vào game Minecraft để hoàn thiện công trình xây dựng ngôi trường em gắn bó từ lớp 4 đến nay. Huy đã xây dựng xong và gửi cho trường như một món quà trước ngày được đến trường học trực tiếp. Thế nhưng, sau khi đi học trở lại, em thấy công trình của mình vẫn còn thiếu một vài chi tiết nên muốn hoàn thiện.

nlntv-img-8048-png-1819-1644673119-1644827595.png
Công trình Huy xây dựng trên game. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minecraft là một trong những trò chơi điện tử phổ biến nhất thế giới, cho phép người chơi sáng tạo và xây dựng các công trình bằng cách sắp xếp các khối lập phương với nhau mà không bị giới hạn.

Từ tiểu học, Huy đã tiếp cận game này trên điện thoại với sự cho phép của mẹ. Từ chỗ chỉ biết xếp các khối nhỏ, Huy dần dần xây dựng được nhiều công trình như nhà cửa, toà tháp. Thế nhưng, những gì em từng làm chỉ là giả tưởng, do em tự sáng tạo ra và không cần phải quá tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Hè 2021, sau hơn hai tháng học online do ảnh hưởng của Covid-19, Huy có ý tưởng xây dựng trường Marie Curie bằng Minecraft. Lúc này, thời gian rảnh nhiều, lại nghĩ năm tới sẽ rời trường sang Đức sinh sống và học tập, Huy đã nghĩ sẽ dựng trường trên game như một tác phẩm nghệ thuật để kỷ niệm.

"Chưa bao giờ em xây dựng một công trình to lớn và có thật như vậy. Thay vì ngồi tưởng tưởng ra mọi thứ, em phải bắt đầu bằng việc thu thập hình ảnh, bản thiết kế trường", Huy nói. Do ban đầu chỉ định làm đăng lên mạng xã hội cho vui, Huy không xin các hình ảnh hay thiết kế đầy đủ từ trường mà lần mò vào các trang mạng để tìm kiếm. Thu thập không đầy đủ, em vận dụng thêm trí nhớ để có thể xây dựng ngôi trường với tỷ lệ và các chi tiết, màu sắc tương đối chuẩn trên game.

nlnv-img-8042-png-8645-1644673700-1644827724.png
Các chi tiết được Tuấn Huy làm rất tỉ mỉ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngay khi xây dựng phần cổng trường và tầng một (trên thực tế rộng 9.000 m2), Huy đã chán nản vì mất quá nhiều thời gian và công sức. Dù xác định từ đầu sẽ có những khó khăn, em định bỏ ngang. Một hôm, chia sẻ ý tưởng với mẹ, em được mẹ động viên cố gắng hoàn thành, sau đó gửi tặng trường thay vì chỉ làm đăng lên Facebook cho vui như dự định ban đầu. Thế là Huy có động lực để bắt đầu lại công việc.

Khuôn viên trường khá rộng nên Huy chia làm bốn khu vực chính gồm Tiểu học, THCS, THPT và Nhà hiệu bộ. Đầu tiên, nam sinh xây cổng trường để định hình sân trường. Sau đó, em xây tầng một của mỗi khu để làm nền móng rồi xây cao lên. Cuối cùng là xây sân trường và thêm những chi tiết như cây hoa, thùng rác, cống thoát nước. Việc xây dựng khiến Huy phải căn ke, so sánh sao cho đúng tỷ lệ thực, sử dụng đúng màu, đúng độ cao...

Với em, phần đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nhất là toàn bộ khu vực tầng một và sân trường. "Tầng một là nền móng để xây các tầng trên. Nếu sai lệch, các khu vực khác sẽ bị sai số theo. Em đã mất rất nhiều thời gian để xây đi, xây lại sao cho chính xác nhất", Huy nói.

Từ lúc có ý tưởng đến lúc gửi cho trường (ngày 5/2), Huy mất khoảng 5-6 tháng. Thế nhưng không phải ngày nào em cũng chăm chú vào game mà chỉ dành thời gian rảnh để làm. Không định ra mỗi ngày làm bao lâu mà chỉ làm khi rảnh và có hứng nhưng Huy tính em mất hơn 100 giờ để xây dựng. Có hôm, em bỏ bữa vì quá tập trung.

Kết quả, bản thiết kế chi tiết từ ngoài vào trong được Huy gửi tới trường vào ngày 5/2 qua mail. Ban đầu, Huy sợ trường không quan tâm, nhưng ngay sau đó, em vỡ oà hạnh phúc khi nhận được phản hồi.

Sau khi tìm hiểu quá trình xây dựng trường trên Minecraft của Huy, trường Marie Curie đã lan toả công trình của em trên fanpage. Bài đăng nhanh chóng thu hút hơn 2.000 lượt yêu thích cùng hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận. Nhiều người chơi Minecraft xem các bức ảnh công trình do Huy xây dựng cũng phải trầm trồ.

Anh Trần Tùng, 28 tuổi, có nhiều năm chơi game này, nhận định ngoài sự kiên trì, tập trung thì việc tìm hiểu kỹ lưỡng và năng khiếu đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng được một công trình chi tiết như Huy đã làm. "Đó là sự nhạy cảm về màu sắc, đường nét, hình khối, không gian và còn là sự quan sát, tưởng tượng rất tốt của Huy", anh Tùng nói.

nlntv-anh-chan-dung-jpeg-5011-1644673700-1644827814.jpg
Nguyễn Tuấn Huy hiện là học sinh lớp 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ca sĩ Triệu Hồng Ngọc, mẹ của Tuấn Huy, chia sẻ chị không bao giờ cấm cản con chơi game mà coi đó là hình thức giải trí và học tập thú vị. Trong game, con được thoả sức sáng tạo, phát triển nhiều kỹ năng tư duy, tính toán. Tất nhiên, phụ huynh này cũng tìm hiểu về các game mà con muốn chơi trước khi cho phép con chơi lâu dài.

Minecraft từng được đưa vào trường học ở nhiều quốc gia, một giáo viên người Nhật vào top 10 "Giải thưởng giáo viên toàn cầu" năm 2019 của Varkey Foundation, còn cho học sinh của mình kết hợp với học sinh tiểu học ở 10 quốc gia khác tạo ra các toà nhà trong Minecraft, giúp các em nâng cao khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, trí tưởng tượng và tư duy logic. Vì vậy, chị Ngọc yên tâm cho con chơi.

"Quan điểm của tôi là con phải được vừa học, vừa chơi để giảm áp lực học tập. Chưa kể, chơi game phù hợp với lượng thời gian hợp lý cũng là cách để học tập. Tôi còn coi game như sợi dây kết nối mẹ con. Tôi chơi game với con, đôi khi hỏi con chỗ này chỗ kia, từ đó con tin tưởng, chia sẻ với tôi nhiều hơn, giúp tôi hiểu con hơn", chị Ngọc chia sẻ.

Nhờ chơi các game đề cao tính sáng tạo, Huy thấy có hứng thú với ngành Thiết kế đồ họa. Tự nhận có thế mạnh ở các môn nghệ thuật và sáng tạo như Âm nhạc, Mỹ thuật và môn Toán, nam sinh dự định tìm hiểu thêm về ngành này trong tương lai.