Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Phần 2 và hết)

Đảng ta luôn nhận rõ và đặt thực tiễn cách mạng, thực tiễn bảo vệ Tổ quốc với lý luận cách mạng, lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mối quan hệ biện chứng với nhau trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
bo-phieu-dh-8-1711463713.jpg
Đồng chí Đỗ Mười đọc các văn kiện trình Đại hội VIII (ảnh trái). Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCHTW khóa VIII (ảnh phải). Ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia

Từng bước phát triển tư duy của Đảng về bảo vệ Tổ quốc là từng bước tạo nên chất lượng mới của thực tiễn sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc. Đồng thời, chính từ sự vận động của thực tiễn bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã làm xuất hiện sự phát triển lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, trực tiếp nhất là sự vận động của thực tiễn bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau khi cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện phải vượt qua những sóng gió ghê gớm của cơn khủng hoảng ở Liên Xô, Đông Âu vào nửa cuối thế kỷ XX. Song, việc đứng vững trước những thử thách nghiêm trọng ấy đã làm cho Đảng ta có bước phát triển đột phá toàn diện về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ ba khóa VII. Hội nghị chỉ rõ: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; ngăn ngừa, đập tan âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Đến đây, lý luận về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không chỉ khẳng định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn khẳng định bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6 năm 1996) tiếp tục khẳng định và làm rõ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc đã xác định. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX (tháng 4 năm 2001) xác định rõ hơn mục tiêu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Như vậy, mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đại hội IX xác định có nội dung rộng lớn, toàn diện. Đây chính là tiền đề để Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX phát triển lý luận về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với nội dung rộng lớn, toàn diện, thể hiện tính cách mạng triệt để, chủ động trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đó là: Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng X tiếp tục cụ thể hóa nội dung mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phù hợp với diễn biến mới của tình hình, nhấn mạnh đến những nội dung đang đặt ra yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập.

cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-1711463513.jpg
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, đưa nông thôn nước ta tiến lên trình độ văn minh, hiện đại. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo

Từ công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục chỉ rõ: “Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hoá dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến