Một số hình thức chiến tranh mới có thể xảy ra trên thế giới (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Với chiến tranh mạng, hệ thống công nghệ thông tin trở thành vũ khí mạnh mẽ, còn chiến tranh kinh tế lại tác động trực tiếp lên sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia. Hai loại chiến tranh này đều đòi hỏi sự chú ý và hiểu biết sâu sắc, vì chúng không chỉ đe dọa an ninh quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người.
doi-dieu-ve-tac-chien-mang-trong-chien-tranh-thong-minh-1709741311.jpg
Chiến tranh mạng là thách thức lớn đối với an ninh quốc gia. Ảnh: Internet

Chiến tranh mạng (thông tin - máy tính)

Chiến tranh mạng là một mô hình tác chiến mới mẻ, có tính bất ngờ, khó đối phó, với đặc trưng nổi bật nhất - đó là cuộc chiến tranh thực sự “không đổ máu”. Bởi lẽ, đối tượng tác chiến của chiến tranh mạng chính là thông tin và máy tính; thêm vào đó, vũ khí được thông minh hóa cao độ làm cho chiến tranh không còn trực tiếp gây ra thương vong về người.

Chiến tranh mạng triển khai xoay quanh quyền kiểm soát thông tin sẽ đưa hình thái chiến tranh từ đối kháng hữu hình phát triển thành đối kháng vô hình; kết quả đối kháng sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình của cuộc chiến. Hiện nay, các thiết bị thông tin với nòng cốt là máy tính được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự đã trở thành dấu hiệu đặc trưng quan trọng cho trình độ tiên tiến của hệ thống vũ khí cũng như trình độ hiện đại hóa quân đội.

Việc tích hợp hệ thống C4ISREW đã kết nối các loại thiết bị phục vụ chỉ huy, điều khiển, thông tin, tình báo, giám sát, trinh sát và tác chiến điện tử, trong đó có việc sử dụng rất nhiều máy tính thành một mạng. Mạng thông tin với hạt nhân là các máy tính đóng vai trò liên kết, tổng hợp, phân tích, xử lý các dữ liệu đã trở thành trung tâm thần kinh của quân đội hiện đại và là phương tiện để chỉ huy, điều hành chiến tranh.

c4i-for-brazil-credit-elbit-systems-1709741311.jpg
Phòng điều khiển hệ thống C4ISREW. Ảnh: Internet

Do đó, chỉ huy tác chiến của quân đội khi tiến hành một cuộc chiến tranh công nghệ cao ngày càng lệ thuộc vào hệ thống mạng thông tin - máy tính. Một khi mạng bị công kích và phá huỷ, sức chiến đấu của toàn bộ quân đội sẽ giảm sút, thậm chí gần như mất hẳn, bộ máy quân sự quốc gia sẽ rơi vào trạng thái tê liệt.

Các cuộc tiến công qua mạng đã báo hiệu một hình thức chiến tranh mới mà trong đó, hành động quân sự truyền thống không còn là yếu tố quyết định để giành chiến thắng. Các khái niệm về mặt trận, hậu phương, tiền tuyến và thậm chí cả biên giới đều bị xoá bỏ trước sức mạnh của hệ thống các mạng thông tin. Việc ứng dụng những thành quả của công nghệ thông tin hiện nay không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực quân sự, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Nếu tiến hành cuộc tiến công có hiệu quả vào hệ thống mạng thông tin - máy tính thì uy lực của nó không thua gì một đòn tiến công hạt nhân, có thể trong thời gian rất ngắn tạo ra sức phá hoại ghê gớm đối với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá... của đối phương. Một cuộc tiến công mạng tiến hành bằng máy tính sẽ cho phép thiết lập sự cân bằng về lực lượng giữa hai đối thủ có sức mạnh khác nhau. Chiến tranh kiểu mới này cho phép đối thủ yếu có được lợi thế quyết định trước kẻ mạnh. Thậm chí, nó cho phép “kẻ yếu chiến thắng kẻ mạnh” thông qua việc tập trung tiến công không chỉ vào mục tiêu quân sự mà còn nhằm vào trung tâm điều khiển, truyền thông, xử lý thông tin và vào nền kinh tế của đối phương.

Chiến tranh kinh tế

Nguyên nhân chiến tranh kinh tế rất đa dạng, có thể xuất phát từ mâu thuẫn chính trị về tranh chấp quyền lực và ý thức hệ, song gắn với tình trạng suy thoái kinh tế nên chủ thể nền chính trị muốn đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài lãnh thổ; hoặc do mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ liên quan đến lợi ích kinh tế ở tầm chiến lược.

Chiến tranh kinh tế cũng có thể do những nguyên nhân vốn “thuần” kinh tế như: cạnh tranh thị trường đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; khan hiếm, tranh chấp nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên chiến lược; thiếu vốn đầu tư cho mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh; đói nghèo, di dân vô kiểm soát, biến đổi khí hậu và môi trường sống... nhưng chỉ khi các nguyên nhân ấy đã bùng phát thành đại dịch đến mức uy hiếp thể chế chính trị. Một cuộc chiến tranh kinh tế cụ thể có thể xuất phát từ một nguyên nhân hoặc xuất phát từ tổng hợp các nguyên nhân nói trên.

screenshot-2-1709741311.png
Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ đã hi sinh nhiều lợi ích để dồn sức cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: Internet

Mục đích trực tiếp của chiến tranh kinh tế là phá huỷ tiềm lực, sức mạnh kinh tế, tài chính, chiếm đoạt nguồn tài nguyên chiến lược của đối phương, tạo ra áp lực kinh tế, tài chính, thương mại kết hợp với các biện pháp, thủ đoạn chiến tranh khác. Song, thông qua các động thái đó luôn là mục đích xa hơn, đó là dẫn đến làm suy yếu tiềm lực chính trị - tinh thần, khoa học công nghệ, quân sự... của đối phương, đồng thời bảo vệ tiềm lực kinh tế và tiềm lực tổng hợp của mình.

Phương thức tiến hành chiến tranh kinh tế là sử dụng, kết hợp một cách chặt chẽ các công cụ kinh tế như nguồn tài nguyên, tri thức, công nghệ, tài chính, thông tin, năng lực quản lý, tình báo... để tiến hành các biện pháp tiến công phá hoại đối phương về kinh tế, tài chính, thương mại.

Các biện pháp tác chiến cụ thể được sử dụng rất đa dạng như: bao vây, cấm vận, trừng phạt kinh tế, tẩy chay hàng hoá... gắn với các biện pháp bảo vệ nền kinh tế của mình bằng cách kết hợp với đấu tranh ngoại giao, tâm lý, tư tưởng, răn đe quân sự... để thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Về đặc điểm, không gian chiến tranh kinh tế là không giới hạn, không phân biệt rõ ràng thời bình hay thời chiến; phương thức, thủ đoạn chiến tranh “mềm”, có thể huy động lực lượng đông đảo tham gia; tính bất ngờ cao, sức phá hoại lớn, tác động trên diện rộng, lâu dài đến các mặt của đời sống xã hội.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến