Một số hình thức chiến tranh mới có thể xảy ra trên thế giới (Phần 2)

Diễn biến thực tế chiến tranh thông tin qua một số cuộc chiến tranh trên thế giới cho thấy, đây là một loại hình chiến tranh ngày càng phát triển hết sức đa dạng và không thể thiếu được trong chiến tranh tương lai.
ky-nghi-le-29-la-thoi-diem-cac-the-luc-thu-dich-phan-dong-tin-tac-se-loi-dung-de-gia-tang-cac-cuoc-tan-cong-mang-1709740694.jpeg
Ảnh: Internet

Chiến tranh thông tin

Trước khi tiến hành chiến tranh quân sự, các hoạt động chiến tranh tâm lý được tiến hành rộng rãi với nhiều thủ đoạn tinh vi trên các phương tiện truyền thông, trên mạng Internet... nhằm tạo dựng dư luận trên thế giới và trong nước ủng hộ cho hành động về thực chất là chiến tranh xâm lược, đồng thời thông qua chiến tranh thông tin làm cho đối phương từ giới chức lãnh đạo đến quân đội và người dân hoang mang, dao động, mất phương hướng.

Khi tiến hành chiến tranh, cùng với thủ đoạn hoạt động chiến tranh tâm lý là việc thực hiện các thủ đoạn hoạt động nghi binh, đánh lừa trên các phương tiện truyền thông, tiến hành các biện pháp, thủ đoạn tác chiến điện tử vào mạng lưới điện, điện tử nhằm làm rối loạn, tê liệt hệ thống chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điều khiển..., vô hiệu hóa khả năng chỉ huy, kiểm soát của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn.

Chiến tranh thông tin trên bình diện kinh tế - xã hội cũng diễn ra quyết liệt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế với chủ thể tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Đó là dùng ưu thế công nghệ thông tin để phá hoại ngầm nền kinh tế làm suy yếu đối phương, đồng thời bảo vệ các cơ sở thông tin, kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo vệ các bí mật công nghệ, ngăn chặn chuyển giao công nghệ liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ các doanh nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường cho mình.

nghenhinvietnam-airport-hacker-01-ldlf-896x1024-1709740694.jpg
Website cảng hàng không Tân Sơn Nhất bị “hacker lớp 9” xâm nhập. Ảnh: Internet

Trước lợi ích của việc sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh tế, thương mại, các nhà kinh doanh thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh hoạt động cạnh tranh trên mạng. Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế đang toàn cầu hóa nhờ cơ sở kỹ thuật mạng toàn cầu có sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn nên có thể xảy ra tình trạng phong toả thông tin (ngăn cấm đối phương truy cập hay trao đổi thông tin), hoặc không ngừng truy cập các trang web để tấn công vào công việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và chính phủ đối phương.

Trên bình diện quân sự, chiến dịch thông tin bao gồm toàn bộ các hoạt động gây ảnh hưởng đến dữ liệu thông tin cùng các hệ thống thông tin của đối phương và bảo vệ các hệ thống thông tin của mình. Các chiến dịch thông tin được tiến hành trong thời gian xảy ra “khủng hoảng” hoặc xung đột nhằm đạt được hay thúc đẩy các mục đích tác chiến đặc biệt đối với một hay nhiều đối thủ cụ thể, được áp dụng trong tất cả các chiến dịch tác chiến và ở tất cả các cấp.

Chiến dịch thông tin diễn ra rất thường xuyên, có thể được khởi động từ thời bình. Ở cấp chiến lược, các chiến dịch thông tin bao trùm và nhằm vào toàn bộ các yếu tố chính trị, quân sự, kinh tế hoặc thông tin của đối phương; ở cấp chiến dịch, các chiến dịch thông tin nhằm mục tiêu gây hại cho dữ liệu thông tin và hệ thống thông tin của đối phương.

Như vậy, các chiến dịch thông tin tạo thành một chiến lược, tập trung chủ yếu vào các điểm yếu và các cơ hội trong lĩnh vực thông tin và hệ thống thông tin, có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định của đối phương. Đặc biệt, nó nhằm vào môi trường cơ sở hạ tầng thông tin, bao gồm cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, cơ sở hạ tầng thông tin quốc phòng, và các cơ sở hạ tầng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến