Mối quan hệ giữa hòa bình và chính trị (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Sự chuyển hóa từ chính trị sang hòa bình cũng diễn ra tương tự. Nguyên tắc chung sống hòa bình đang là nguyên tắc lớn nhất và quan trọng nhất của các chính sách đối ngoại.
hcm-7-1699890817.png
Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!. Ảnh: Tư liệu.

Giải quyết mọi bất đồng, mâu thuẫn chính trị trong nước và ngoài nước bằng con đường hòa bình đang là khuynh hướng ưu trội. Quyết sách chính trị đối nội và đối ngoại của các quốc gia, dân tộc, nhất là các cường quốc, đều có ảnh hưởng lớn đến việc thiết lập môi trường hòa bình trên thế giới và khu vực. Các chủ thuyết chính trị, đường lối chính trị, quan hệ chính trị, lực lượng chính trị và hoạt động chính trị của hầu hết quốc gia, dân tộc đều trực tiếp góp phần vào môi trường hòa bình, lấy hòa bình làm tiêu chí phát triển chủ đạo. Hoà bình thế giới đang có xu hướng tự tích hợp trong nó tất cả các giá trị chính trị mà bỏ qua cả những thiên kiến chính trị khác biệt, thậm chí những lợi ích chính trị đối lập.

Đời sống chính trị trong thế giới đương đại không còn hai hệ thống chính trị đối lập, song các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau vẫn hiện diện và được chấp nhận tham gia tiến trình hội nhập. Phong trào đấu tranh của các dân tộc nhỏ yếu chống lại sự can thiệp, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không còn được sự hậu thuẫn, giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của hệ thống xã hội chủ nghĩa, song bù lại là sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu của phong trào nhân dân thế giới vì hòa bình và tiến bộ xã hội.

Bàn cờ chính trị thế giới đang là cuộc chơi của các “ông lớn”, phụ thuộc vào sự mặc cả, trao đổi của các trung tâm quyền lực kinh tế, chính trị thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh này lại không tạo đủ lý do, nguyên cớ làm xuất hiện cục diện chiến tranh thế giới, mà trái lại, các quốc gia có chế độ chính trị độc lập vẫn có thể vừa hội nhập vừa duy trì đường lối phát triển riêng của mình trong môi trường hòa bình.

Hơn nữa, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa làm cho sự phụ thuộc, lệ thuộc vào nhau của các dân tộc, các quốc gia ngày càng tăng, làm xuất hiện nhiều liên minh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... với hình thức và quy mô, tính chất khác nhau. Đây là đặc điểm nổi bật của sân khấu chính trị thế giới đương đại có liên quan tới vấn đề chiến tranh và hòa bình với ý nghĩa là tạo ra tiền đề khách quan để nhân loại tiến những bước sâu hơn vào kỷ nguyên hòa bình.

Tuy nhiên, trên thực tế, chiến tranh vẫn hiện diện với nội dung và hình thức mới, thậm chí còn tệ hại và nguy hiểm hơn bởi đã bị đẩy đến trình độ chiến tranh công nghệ cao. Theo đó, mối quan hệ giữa hòa bình với chính trị không thể không xuất hiện những vết nứt lớn mà ở đó nguy cơ chiến tranh hiện hữu. Ngay cả nền hoà bình thế giới hiện nay cũng đang là “hoà bình nóng” tiếp theo thời kỳ “chiến tranh lạnh” cuối thế kỷ XX.

infobox-collage-for-cold-war-1699891258.png
Một sô hình ảnh về thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Ảnh: Wikipedia.

Đặc biệt, sự chuyển hóa giữa chính trị và hòa bình nói riêng, mối quan hệ hòa bình và chính trị nói chung trong bối cảnh hiện nay đang xuất hiện những biến thể đáng quan ngại. Đó là chính trị đơn cực đi kèm với hòa bình áp đặt. Các cường quốc do nắm trong tay những lực lượng kinh tế, khoa học công nghệ khổng lồ, nhất là về vũ khí công nghệ cao, lại có thể thao túng các tổ chức quốc tế lớn cùng những kinh nghiệm tiến hành chiến tranh xâm lược dày dạn, nên có điều kiện mặc cả để áp đặt về hòa bình. Các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực chính trị phản động đang tiến hành là minh chứng cho sự áp đặt ấy. Minh chứng này càng lộ nguyên hình khi được bổ sung bằng thủ đoạn tiến hành chiến tranh công nghệ cao một khi mà kịch bản “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ bị “lộ vở”.

Từ những đặc điểm mới ấy của bức tranh chính trị thế giới, có thể thấy mối quan hệ giữa chính trị và hòa bình trong bối cảnh hiện nay rất phức tạp và khó lường. Bối cảnh chung của thế giới là hòa bình nhưng không triệt tiêu nổi nguy cơ chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, thậm chí xuất hiện nguy cơ mới về chiến tranh phi truyền thống mà khủng bố quốc tế là một điển hình.

Chiến tranh xảy ra ở một khu vực nhất định, nhưng các quốc gia ở rất xa cũng không thể ảo tưởng về sự an toàn, đứng ngoài cuộc. Hòa bình là xu thế chủ đạo nhưng đi kèm với nó là “diễn biến hòa bình” thậm chí còn tệ hại hơn chiến tranh. Thêm vào đó là thứ hòa bình “được bảo kể”, đi kèm với những điều kiện chính trị hoàn toàn bất bình đẳng và bất lợi... Tổ chức chính trị hòa bình mang tính toàn cầu là Liên hợp quốc liệu có tiếng nói thực sự trọng lượng đối với các cường quốc hay không? Đây vẫn là bài toán nan giải cho chiến lược phát triển chính trị hòa bình của tất cả các quốc gia, dân tộc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến