Kinh tế số: Thực trạng và giải pháp trong bối cảnh mới

Đinh Thảo
Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp nghiệp thông minh cho đến dịch vụ số; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng,... Chính vì vậy, nội hàm của nền kinh tế số cũng dần trùng với nội hàm của nền kinh tế.
vietnam-seeks-to-further-develop-digital-economy-cfa53-1703410145.jpg
Kinh tế số là xu thế phát triển của thời đại (Ảnh minh họa: Internet)

Trong những năm gần đây, kinh tế số được coi là một động lực và trụ cột chính trong phát triển kinh tế. Nhiều chiến lược, chính sách cũng coi phát triển kinh tế số là trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát huy các thành tựu của cuộc Cách mạng lần thứ 4. Tuy vậy, phát triển kinh tế số cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, cho dù triển vọng tăng trưởng kinh tế số tương đối khả quan. Việc nhận định rõ các cơ hội, thách thức và rào cản với phát triển kinh tế số đặc biệt quan trọng quan hệ với phát triển bền vững là chìa khóa để nền kinh tế số Việt Nam khởi sắc trong tương lai.Trong những năm qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên, được thể hiện trong một số văn bản điều hành như Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc Gia thưc hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11 tháng 10 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 136/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về phát triển bền vững. Các văn bản nói trên đã nêu bật quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp hài hoà giữa các yếu tố phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số Quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững.

Tổng quan kinh tế số ở Việt Nam

internet-1703410279.png
Dự báo tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam rất khả quan (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Trong những năm gần đây, mô hình kinh tế số cũng đang rất phát triển tại Việt Nam, đóng góp rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế chung của cả nước. Đặc biệt nhất là các mô hình cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, chia sẻ nơi lưu trú, mua bán hàng online, ví tiền điện tử, các dịch vụ truyền hình có trả tiền... Đã có nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại, giúp người sử dụng có thể gọi xe ô tô, xe máy, giao - nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình,… thậm chí người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Việt Nam có lợi thế về dân số đông, hệ thống chính trị ổn định, lại là người đi sau nên càng có nhiều tiềm năng cho nền kinh tế số phát triển, Quy định chính sách, định hướng cụ thể giúp các định những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam về phát triển kinh tế số trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.

Một cách tổng quát, kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Phát triển kinh tế số là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới, như: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật - IOT, blockchain - Chuỗi khối, Trí tuệ nhân tạo AI, mạng không dây 5G. Công nghệ mới cho phép con người xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội, khẳng định rõ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nam Lê