Động thái chiến tranh và động thái hòa bình trong các cuộc chiến cuối thế kỷ XX (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Trong cuộc chiến tranh Ápganixtan, Mỹ tận dụng được lợi thế do sử dụng các hoạt động phối hợp chính trị, kinh tế và ngoại giao để buộc nhiều nước trên thế giới kể cả Liên hợp quốc ủng hộ.
reagan-sitting-with-people-from-the-afghanistan-pakistan-region-in-february-1983-1702997821.jpg
Tổng thống Reagan gặp gỡ các nhà lãnh đạo Mujahideen tại Phòng Bầu dục năm 1983.

Mỹ cũng đã tập hợp được 36 nước và các tổ chức tham chiến bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau dưới ngọn cờ “chống khủng bố”, trong đó có Liên minh phương Bắc chống Taliban do Mỹ tạo dựng ngay trong lòng Ápganixtan. Trong kế hoạch chiến tranh, Mỹ và đồng minh, chủ yếu là Anh, vẫn tận dụng và phát huy tối đa ưu thế của vũ khí công nghệ cao nhằm trước hết phá vỡ hệ thống tổ chức chỉ huy, kiểm soát và trinh sát của lực lượng Taliban.

Quan điểm chiến lược và xuyên suốt của bên tiến công là dùng hoả lực thay cho sinh lực, làm “mềm chiến trường” bằng các đòn hoả lực, khi đạt được mục đích đề ra thì mới đưa bộ binh vào để giải quyết chiến trường. Mỹ sử dụng rất thận trọng lực lượng bộ binh nhằm hạn chế thấp nhất thương vong cho binh sĩ, bởi đây là điểm rất nhạy cảm đối với người dân Mỹ. Đây thực sự là cuộc chiến tranh diễn ra trên tất cả các mặt trận chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế..., “không chỉ bằng súng đạn mà bằng cả bơ sữa”.

Mỹ còn thực hiện thành công chiến dịch phong toả tài sản của Bin Lađen và cô lập chính quyền Taliban với thế giới. Đặc biệt, nhờ thực hiện luận thuyết dùng người bản xứ đánh người bản xứ bằng cách lợi dụng tổ chức quân sự Liên minh phương Bắc gồm toàn người Ápganixtan để làm lực lượng xung kích, công cụ chủ yếu, nên suốt mấy tháng chiến tranh ác liệt, quân Mỹ thương vong không đáng kể. Có thể thấy những động thái chính trị - hòa bình thậm chí lại giải quyết được những vấn đề căn bản hơn so với những động thái chính trị - chiến tranh.

89536767-binladen-1702997969.jpg
Bin Lađen. Ảnh: CNN

Về phía Taliban và Al Queda, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nhanh chóng là do thiếu nền móng chính trị hòa bình vững chắc. Trước chiến tranh, lực lượng này chưa hề được quốc tế công nhận về mặt chế độ nhà nước, và cũng chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Bước vào chiến tranh, Taliban đã phải chiến đấu quá đơn độc, không được một nước nào ủng hộ, giúp đỡ.

Tiềm lực quân sự, kinh tế và mọi mặt của lực lượng này sau những đòn tập kích đường không chiến lược của Mỹ gần như bị tê liệt hoàn toàn. Chính bản thân người dân Ápganixtan cũng không ủng hộ chính quyền Taliban chống Mỹ, bởi đây là chế độ cực kỳ hà khắc với các đường lối, chính sách đối nội cực đoan. Thêm vào đó, trong tương quan so sánh lực lượng với Mỹ thì rõ ràng tiềm lực quân sự của Ápganixtan quá yếu.

Lực lượng vũ trang thực chất mới chỉ là tập hợp đội quân của các bộ tộc, bộ lạc, tổ chức không chặt chẽ, kỷ luật lỏng lẻo, luật lệ hà khắc, sự đoàn kết thống nhất giữa cấp trên và cấp dưới không cao, trình độ tác chiến du kích, vũ khí trang bị lại rất kém cỏi và lạc hậu. Chính vì vậy, chỉ sau mấy ngày đầu chiến tranh, quân đội Taliban đã đào ngũ cả tập thể lớn sang Liên minh phương Bắc và cuối cùng Ápganixtan đã phải nhanh chóng đầu hàng không điều kiện.

190817ha2-1702998075.jpg
Các thành viên Al Queda tại một trại huấn luyện ở Somali. Ảnh: Dawn

Trong cuộc chiến tranh Irắc, Mỹ đã tiến hành chuẩn bị rất chu đáo. Trước hết là chiến tranh thông tin, sử dụng các phương tiện tình báo để xác định mục tiêu của Irắc. Cuộc chiến ở Irắc lần này là sự thử nghiệm tác dụng và hiệu quả chiến thuật mới của Mỹ về phát huy cao độ chiến tranh thông tin giành lợi thế quyết định trên chiến trường. Chiến tranh tâm lý được đặc biệt coi trọng bằng việc rải truyền đơn kích động, đe doạ, bôi nhọ chế độ Hútxen, kêu gọi người dân nổi dậy chống chế độ.

Về bảo đảm hậu cần, Mỹ đã cải tiến theo hướng hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí. Lực lượng tham chiến của Mỹ và liên quân được huấn luyện tốt và trang bị đầy đủ, linh hoạt, có ưu thế kỹ thuật trên mọi phương diện. Hầu hết các phương tiện chiến tranh đã được cải tiến vượt bậc.

Về cách đánh, Mỹ chiếm ưu thế toàn bộ trên không, đồng thời sử dụng bộ binh tiến công kiểu “cuốn chiếu”. Tuy giành được chiến thắng nhanh nhưng liên quân vẫn bộc lộ một loạt hạn chế. Binh lính dường như chưa được rèn luyện, thử thách tốt nên mất tinh thần khi đối mặt với tình huống phức tạp, thậm chí bắn nhầm nhau hoặc bắn nhầm dân thường. Các tên lửa phòng không chưa được thử nghiệm kỹ lưỡng. Hệ thống rađa định vị, phát hiện mục tiêu bộc lộ nhược điểm dẫn tới tiêu diệt nhầm máy bay của liên quân. Đặc biệt, ở bình diện chính trị - hòa bình, tuy Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được Hútxen, song chính quyền thân Mỹ và nền an ninh của Irắc “hậu Hútxen” vẫn không ổn định.

161221172511-saddam-hussein-1702998216.jpg
Tổng thống Sađam Hútxen. Ảnh: CNN

Sự thất bại của Irắc trước hết là sự thất bại của một chính thể chuyên chế không được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Với chế độ gia đình trị, Sađam Hútxen không động viên được lực lượng để hình thành cục diện cả nước đánh giặc do lòng dân ly tán. Thêm vào đó, tuy công tác tuyên truyền được coi trọng, nhưng việc động viên chống chiến tranh chỉ nhấn mạnh tư tưởng tử vì đạo mà không tuyên truyền cần chiến đấu như thế nào.

Đứng trước họa ngoại xâm, dân chúng Irắc vẫn còn mải tranh cãi về địa giới Bátđa, thậm chí một số người đã chào đón quân Mỹ - Anh khi tiến vào chiếm đóng. Hầu như tất cả sức kháng cự đều chỉ là của lực lượng hoàng gia. Lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh Irắc tự phân liệt, được tổ chức chồng chéo chỉ để giám sát lẫn nhau nhằm bảo vệ lợi ích của chế độ cầm quyền hơn là để sẵn sàng chống xâm lược. Một số đơn vị quân đội khi chưa chiến đấu hoặc vừa mới kháng cự đã đầu hàng.

linh-my-trong-chien-tranh-iraq-2003-e-ir-1702998185.jpg
Lính Mỹ đứng gác tại một mỏ dầu của Iraq tháng 4/2003. Ảnh: Hải quân Mỹ

Sự thất thủ của Bátđa còn do những sai lầm về chiến lược quân sự của Sađam Hútxen, nhất là không lường hết việc Mỹ tấn công Irắc, lơ là trong chuẩn bị chiến tranh. Khi khủng hoảng nổ ra, Chính phủ Irắc đã gửi gắm hy vọng vào việc cộng đồng quốc tế có khả năng ngăn chặn hành động đơn phương của Mỹ, chi rất nhiều tiền của và mất rất nhiều thời gian vào các vấn đề ngoại giao, bầu cử, thanh sát vũ khí, thiếu coi trọng chuẩn bị thế trận, lực lượng và cách đánh. Với chính thể ấy, với hệ thống chính sách đối nội và đối ngoại ngay từ thời bình ấy, chiến tranh chỉ là mồi lửa cuối cùng làm cho nó bị thiêu rụi.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến