Động thái chiến tranh và động thái hòa bình trong các cuộc chiến cuối thế kỷ XX (Phần 1)

Lương Đàm
Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, sự xuất hiện vũ khí công nghệ cao do ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã đặt ra những bài toán nan giải cho việc nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
1920px-usaf-f-16a-f-15c-f-15e-desert-storm-pic-1702997259.jpg
Máy bay chiến đấu USAF F-16A, F-15C, F-15E bay trên các giếng dầu đang cháy (do các lực lượng Iraq đốt) trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Ảnh: Internet

Một mặt, sự xuất hiện vũ khí công nghệ cao với sức tàn phá lớn dẫn đến làm tăng hậu quả vốn đã khủng khiếp của chiến tranh, làm dấy lên làn sóng đấu tranh vì hoà bình, phản đối chiến tranh trên phạm vi toàn thế giới. Mặt khác, những lực lượng hiếu chiến nắm trong tay lợi thế vũ khí công nghệ cao vừa tạo sự răn đe, gây sức ép với phần còn lại của thế giới, vừa mong có dịp để thi thố sức mạnh của hệ thống vũ khí ấy, cùng với sự thử nghiệm những luận thuyết chiến tranh mới. Tất cả những động thái nói trên làm cho bầu không khí “chiến tranh lạnh - hòa bình nóng” ngày càng trở nên hết sức phức tạp, khó dự lường. Thực tiễn các cuộc chiến tranh công nghệ cao cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã chứng minh điều đó.

Khác với những cuộc chiến tranh bằng vũ khí thông thường, các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc tiến công bằng vũ khí công nghệ cao mang những đặc điểm mới. Đó là đi thẳng vào mục đích trực tiếp, không nặng về tiêu chí tiêu diệt đối phương, chiếm địa bàn,... mà sẽ lập tức kết thúc một khi đạt được mục đích chính trị của chiến tranh. Sự có mặt của vũ khí và phương tiện chiến tranh công nghệ cao cho phép rút ngắn tiến trình chiến tranh.

Nhìn chung, chiến tranh công nghệ cao là cuộc đối kháng có hệ thống, tổng thể giữa các bên tham chiến: về sức mạnh tác chiến, về lực lượng quân, binh chủng, vũ khí, về các hình thức tác chiến, về các hệ thống chỉ huy - kiểm soát - thông tin - tình báo,... tiên tiến. Không gian chiến trường nhiều chiều hình thành do việc ứng dụng công nghệ cao. Chi phí chiến tranh lớn do sử dụng vũ khí, trang bị có giá thành đắt đỏ, kéo theo các mặt bảo đảm khác.

Về phương thức chuẩn bị và tiến hành chiến tranh cũng có những nét khác so với chiến tranh bằng vũ khí thông thường. Ranh giới giữa chiến tranh với hòa bình có những mặt hầu như không rõ ràng bởi diễn ra quá nhanh chóng. Nhìn chung, các cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh, Côxôvô, Ápganixtan, Irắc... do Mỹ và đồng minh tiến hành đều theo các bước: thăm dò, thu xếp dư luận, tạo dựng liên minh, lập kế hoạch, chuẩn bị triển khai lực lượng và thực hiện các chiến dịch tiến công.

Tất cả các cuộc chiến tranh đều thể hiện kiểu tác chiến phi đối xứng: lấy tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao vượt trội đối phương làm yếu tố quyết định, ngay từ đầu đã tiến công trên toàn tuyến, vào các mục tiêu trọng yếu suốt chiều sâu chiến dịch, chiến lược; thực hiện các đòn đánh chính xác từ xa, không tiếp xúc; tiêu diệt lực lượng, phương tiện phòng không của đối phương để làm chủ không phận; tạo điều kiện để tiến công đường không phá huỷ các trung tâm chính trị, cơ sở hạ tầng, tiêu diệt lực lượng và chỉ huy quân đối phương,...

1920px-dstorm-1702997460.jpg
Xe tăng M1A1 tiêu diệt các xe tăng Iraq trên đường rút lui. Ảnh: Wikipedia

Đặc biệt, những động thái chiến tranh và động thái hòa bình được sử dụng đan xen hết sức tinh vi ngay trong quá trình tiến hành cuộc chiến, dù diễn ra rất ngắn.

Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, để thu xếp dư luận, Mỹ đẩy mạnh ngoại giao thuyết phục lãnh đạo các nước, nhất là khối NATO nhằm tạo tiếng nói ủng hộ, đồng thời thiết lập liên minh, tự ngụy trang bằng “tính chính nghĩa” và bức thiết của cuộc chiến tranh trước dư luận thế giới. Về tác chiến, liên quân Mỹ và NATO đã thành công ở sự thống nhất chỉ huy, cả trong chỉ huy nội bộ quân đội Mỹ và trong chỉ huy liên quân.

Việc nhấn mạnh nguyên tắc tác chiến động, sự chuyển đổi cơ cấu lực lượng để tăng khả năng cơ động, tập trung sức mạnh quyết định ở khu vực then chốt cho phép xác lập được ưu thế tuyệt đối và đạt được kết quả mang tính quyết định. Lực lượng tham chiến vừa chuyên nghiệp hóa cao, vừa có tinh thần chiến đấu, có kinh nghiệm và được huấn luyện tốt. Luận thuyết rõ ràng về các tổn thất phụ của dân chúng và các cơ sở dân sự ở Irắc cũng được Mỹ tính toán cẩn thận nhằm hạn chế tối đa và tranh thủ mị dân.

Về phía Irắc, sự thất bại trong cuộc chiến do rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là chủ nghĩa độc đoán và cơ cấu tập trung quá mức cần thiết, thể hiện rõ ràng ở việc tập trung toàn bộ quyền lực vào tay tổng thống, kể cả quyền chỉ huy quân sự, song thiếu hẳn một hệ thống tham mưu trung ương có hiệu lực. Sự phối hợp giữa lục quân, không quân và phòng không rất yếu kém. Trong lục quân, sự phối hợp giữa các quân đoàn, lực lượng Vệ binh cộng hòa và các binh đoàn chính quy khác cũng không khá hơn. Sự can thiệp của yếu tố lãnh đạo dân sự vào công tác chỉ huy quân sự đã làm mất hiệu lực chỉ huy.

Thiếu khả năng dự báo chiến lược là một trong những điểm yếu chí tử của các nhà lãnh đạo Irắc. Do nhận định thiếu khách quan về tình hình chính trị - quân sự nên khi triển khai lực lượng quân sự đến biên giới, họ không lường được Arập Xêút sẽ phản ứng thế nào. Đồng thời, về cơ bản họ đã phán đoán sai về phản ứng chính trị và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Mỹ. Họ giải quyết việc đặt kế hoạch quân sự của chiến lược chủ yếu theo điều kiện của cuộc chiến tranh thông thường, thiếu năng lực nhìn xa hơn khả năng sẽ phải đối đầu về chính trị và quân sự với liên quân nên không đánh giá được những thay đổi về tình hình cũng như thực lực liên quân, nhất là dự lường về khả năng tác chiến công nghệ cao ngay từ đầu chiến tranh.

1280px-bdeatk-1702997330.jpg
Tranh vẽ trực thăng AH-64 Apache của Mỹ tiêu diệt xe tăng địch trong chiến tranh Vùng Vịnh. Ảnh: Wikipedia

Trong cuộc chiến tranh Nam Tư, dưới chiêu bài “nhân quyền”, Mỹ đã tuyên truyền và thực hiện chính sách mới “coi nhân quyền cao hơn chủ quyền”, mở ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ giữa các nước, phớt lờ luật pháp quốc tế, xem thường Liên hợp quốc. Tận dụng ưu thế, Mỹ đã tập hợp được 13 nước NATO, tạo liên minh chiến lược để chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến tranh.

Trong việc lập kế hoạch và triển khai lực lượng, Mỹ đã xác định phương châm tác chiến là dùng tiến công đường không đánh thẳng vào Bêôgrát, buộc chính quyền Milôsêvích hoặc phải chấp nhận điều kiện do Mỹ đặt ra, hoặc suy yếu, chia rẽ nội bộ, không đủ sức duy trì chiến đấu và tinh thần độc lập đi theo con đường đã định. Biện pháp tác chiến chiến lược Mỹ vạch ra là: triệt phá hệ thống phòng không, giành quyền làm chủ trên không; từ không trung làm chủ mặt đất; phá huỷ cơ sở hạ tầng kinh tế, thông tin liên lạc của đối phương; mở rộng không kích gây sức ép. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh này, Mỹ và NATO đã vấp phải những sai lầm nhất định như: đánh giá không đầy đủ về đối phương, không tính hết trở ngại địa hình, thời tiết, chỉ dựa vào không tập nên khó đạt mục đích chiến lược.

nato-bombe-izazivale-ekolosku-katastrofu-u-novom-sadu-1702997643.jpeg
Ngày 24/3/1999, NATO mở đợt tấn công ồ ạt vào Kosovo. Ảnh: Wikipedia

Về phía Nam Tư, bài học thành công trước hết là chú trọng học tập kinh nghiệm chiến đấu, nghiên cứu kỹ cách đánh của NATO. Công tác tình báo chiến lược được coi trọng bằng việc kiểm tra thời chiến đối với báo chí, tạo thông tin giả để mê hoặc NATO, sử dụng các biện pháp đặc biệt để thu thập tình báo. Đối kháng điện tử cũng được chú trọng, dù mới chỉ là đối kháng hữu hạn. Công tác chuẩn bị chiến trường tốt cũng là một thành công lớn.

Đặc biệt, Nam Tư rất coi trọng chiến tranh tâm lý. Trước việc NATO tiến công rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, Nam Tư cũng sử dụng triệt để các đài phát thanh, truyền hình, các mạng quốc tế, các phương tiện thông tin đại chúng để phản kích trên lĩnh vực dư luận và tuyên truyền đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế, cổ vũ ý chí của quân và dân. Tuy vậy, qua cuộc chiến, Nam Tư cũng bộc lộ những nhược điểm như phân tán trong sử dụng lực lượng không quân, thiếu lực lượng tiến công đường không.

Đặc biệt, các vấn đề dân chủ, tôn giáo, sắc tộc,... không được giải quyết tốt đã dẫn đến khủng hoảng để kẻ thù lợi dụng, đó là điểm yếu chí tử của Nam Tư. Có thể nói Nam Tư đã đứng vững trong chiến tranh về mặt quân sự, nhưng lại thua toàn bộ cuộc chiến vì lý do chính trị hòa bình khi giải quyết sai lầm vấn đề Côxôvô để Mỹ và NATO lợi dụng lật đổ chính quyền.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến