Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc

Để ngăn ngừa được chiến tranh, giữ vững được hòa bình, chúng ta phải có sức mạnh về mọi mặt, trong đó, nhất định phải có sức mạnh quốc phòng và an ninh, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam nhất thiết phải gắn với đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
huong-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang-nhung-thanh-tuu-noi-bat-cua-dat-nuoc-sau-35-nam-doi-moi-1-1715355516.jpg
Trong suốt gần 40 năm qua, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: VGP

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình liên quan trực tiếp tới vấn đề về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, song xét đến cùng đều là nhằm hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh là một chủ trương xuyên suốt trong các kỳ đại hội. Hiện nay, nước ta phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch chống phá ta về mọi mặt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thời cơ và thách thức đan xen.

Yêu cầu đặt ra là phải giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích dân tộc trong quan hệ quốc tế, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa phải phát huy nội lực, khai thác nguồn vốn và công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa phải phát huy lợi thế so sánh của các vùng lãnh thổ trên cả nước để phát triển và giảm bớt sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa các vùng miền.

Vì thế, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh để chủ động tự bảo vệ là chủ yếu, đồng thời tham gia bảo vệ và được bảo vệ một cách vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh đã được Đảng, Nhà nước ta xác định là một nội dung rất quan trọng, là một chủ trương lớn giữ vai trò chỉ đạo nhận thức, quan điểm và hành động thống nhất trong Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thông qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc ở nước ta và các nước trên thế giới, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta phải kịp thời phát hiện những bất cập, nhất là những mâu thuẫn giữa thực tiễn với đường lối, quan điểm, cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, cần kịp thời có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong đường lối, quan điểm, cơ chế, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cho phù hợp, khoa học, đúng đắn.

Tổng kết, phát triển lý luận phải nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn theo phương hướng vừa ngăn ngừa không để xảy ra bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, vừa tạo được sức mạnh, khả năng sẵn sàng đánh thắng bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch đối với Việt Nam nếu xảy ra. Đó chính là cơ sở giữ vững môi trường hòa bình lâu dài để đất nước Việt Nam phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

xa-hoi-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-mo-hinh-moi-cua-chu-nghia-xa-hoi-1715355474.jpg
Chủ nghĩa xã hội - Xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam là của nhân dân Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Trong bối cảnh thế giới đương đại, việc nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình gắn với đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc cần làm rõ những vấn đề hết sức cơ bản, cập nhật. Trước hết, cần tập trung cụ thể hóa vấn đề phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh trong tính cách là sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực đời sống xã hội với quốc phòng - an ninh thành một thể thống nhất trên phạm vi cả nước, trên từng vùng và từng địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Cần tìm ra hệ cơ chế nội tại để các lĩnh vực chủ động gắn kết, bổ sung và tạo điều kiện cho nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới, phát triển đất nước. Đồng thời, cần tìm ra hệ cơ chế để chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn ở trong trạng thái tự bảo vệ và được bảo vệ.

Công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc cũng cần tập trung phát triển lý luận về chiến tranh và hòa bình, khẳng định tư tưởng chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Đặc biệt, cần đi sâu vào việc dự kiến và chuẩn bị hàng loạt vấn đề thực tiễn mang tính dự báo khoa học: về chuyển đất nước, địa phương, bộ, ngành từ thời bình sang thời chiến; về động viên thời chiến; về các trạng thái quốc phòng, về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, về trạng thái thời chiến, về quyết tâm chiến đấu A, A2, A3, A4; về hoạt động tác chiến trị an cấp xã; về hoạt động tác chiến trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện; về tác chiến phòng thủ quân khu; về các trạng thái sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân cũng như công tác bảo đảm thực hiện tốt việc chuyển trạng thái, xử lý hiệu quả từng trạng thái đó; về quyết tâm chiến đấu và xử lý tình huống trong hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến