Đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” trong cuộc đối đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ xâm lược (Phần 1)

Cuối năm 1964, mặc dù đế quốc Mỹ từng bước leo thang đưa chiến lược “chiến tranh đặc biệt” lên đỉnh cao, có những yếu tố của “chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân, song chúng không thể đảo ngược được tình thế.
561-16163885811421498958494-1689754855.jpg
Sư đoàn bộ binh Anh cả đỏ được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất, tinh nhuệ nhất. Ảnh Dân Việt.

Chiều hướng thất bại hoàn toàn của chúng ngày càng trở nên rõ ràng. Chế độ chính trị của bọn tay sai Mỹ ở miền Nam ngày càng lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng toàn diện. Sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là một thất bại nặng nề trong âm mưu dùng Việt Nam làm nơi thí điểm cho một loại hình chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.

Để cứu vãn chế độ ngụy quyền Sài Gòn, thực hiện âm mưu giữ miền Nam Việt Nam trong quỹ đạo của Mỹ, trở thành tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á, Tổng thống Mỹ L. Giônxơn đã chọn con đường đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong bốn năm (từ 1965 đến 1968), với bộ máy chiến tranh khổng lồ, Mỹ đã huy động và dốc vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% không quân chiến thuật, 50% không quân chiến lược, 40% hải quân trong biên chế quân đội Mỹ.

Chúng đã đưa vào miền Nam những đơn vị chiến đấu tinh nhuệ, sừng sỏ nhất như Sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, Sư đoàn bộ binh 25 “Tia chớp nhiệt đới”, Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3,... Chúng cũng sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất vào thời điểm đó (trừ vũ khí hạt nhân); ném 7,85 triệu tấn bom xuống hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Tổng chi phí chiến tranh đến thời điểm đó đã lên tới 352 tỷ đôla Mỹ.

Như vậy là đế quốc Mỹ đã thực sự tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam. Với toan tính của những “nhà chiến lược” chỉ nhìn thấy sức mạnh của vũ khí, Mỹ tin rằng chỉ với 20 vạn quân Mỹ trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, cùng lực lượng không quân, hải quân hùng hậu tiến công và bao vây miền Bắc, chúng sẽ chặn đứng và đập tan Việt Nam trong vòng một vài năm. Để mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ còn lôi kéo các nước đồng minh vào cuộc. Hiểu được mối bất hòa giữa các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa lúc đó, Mỹ tin rằng sẽ nhanh chóng đè bẹp cuộc chiến của nhân dân Việt Nam mà không hề bị trừng phạt, không bị ai ngáng trở.

mcdonnell-douglas-f-4c-19-mc-in-flight-refueling-of-061006-f-1234s-031-1689755039.jpg
Một tốp máy bay F-4 đang tiếp dầu để chuẩn bị không kích. Ảnh Wikipedia.

Việc kẻ thù đưa hàng chục vạn quân viễn chinh sang xâm lược miền Nam, đồng thời dùng máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc đã đặt sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trước thử thách mới vô cùng quyết liệt, phức tạp, khó khăn, gian khổ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quán triệt tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, kiên trì động viên cả nước vững bước đi lên đánh thắng giặc Mỹ trong cuộc đụng đầu lịch sử.

Ngày 25 tháng 3 năm 1965, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã phân tích âm mưu và hành động mới của đế quốc Mỹ. Sau khi đã dốc sức đến đỉnh cao, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ vẫn bị thất bại và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, là tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực mạnh, bản chất ngoan cố, Mỹ không dễ dàng chấp nhận thất bại. Bằng mọi cách, chúng sẽ tiếp tục mở rộng chiến tranh, đẩy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” lên mức độ cao nhất và rất có thể sẽ chuyển hướng sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: Địch có thể dốc toàn lực mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng chính quân Mỹ và chư hầu, đồng thời tăng cường đánh phá miền Bắc thường xuyên trên phạm vi rộng hơn, gây cho ta nhiều tổn thất lớn hơn, cuộc chiến tranh sẽ vô cùng ác liệt. Tuy nhiên, Mỹ không thể đảo ngược được thế chiến lược. Chúng đang ở thế thua, thế bị động về chiến lược và thất bại về chính trị. Ta đang ở thế thắng, thế chủ động, có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Trung ương lần thứ 11 xác định nhiệm vụ cách mạng miền Nam là tập trung giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn, sẵn sàng đánh thắng “chiến tranh cục bộ” nếu địch gây ra. Đối với miền Bắc, khẩu hiệu chung được đặt ra là “xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”.

Ngày 20 tháng 7 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm chiến đấu, dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Chấp hành Nghị quyết của Đảng và hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đã ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang về mọi mặt, đặc biệt là xây dựng, củng cố, phát triển khối chủ lực và bố trí vững chắc các lực lượng trên những địa bàn chủ yếu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến