Chiến dịch Bình Giã: Biểu tượng của sự quyết tâm và chiến thắng kiên cường (Phần 2 và hết)

Để cứu nguy cho Đức Thạnh, lấy lại Bình Giã, ngày 1 tháng 1 năm 1965, địch mở cuộc hành quân giải tỏa mang tên “Hùng Vương 2” với 2.000 quân gồm: Cơ giới, nhảy dù, thủy quân lục chiến, máy bay lên thẳng.
1-1689241808.jpg
Hỏa lực ĐKZ 75mm của ta trong Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu.

Toàn bộ lực lượng địch đổ bộ xuống Bình Giã, Đức Thạnh, phía Tây đường 2 kết hợp với tàn quân còn lại của Tiểu đoàn 30 và Tiểu đoàn 38 tổ chức phản kích hòng đánh bật quân ta ra khỏi Bình Giã. Nắm được kế hoạch của địch, ta đưa Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 2) phục kích địch ở đường 15, diệt 10 xe và một đại đội địch. Ngày 3 tháng 1 năm 1965, Trung đoàn 2 của ta đã diệt gọn đoàn xe 16 chiếc (trong đó có 2 xe tăng và 2 xe M113) cùng Tiểu đoàn 35 biệt động quân ngụy trên đường 2 từ Bà Rịa lên Đức Thạnh.

Cùng ngày, Tiểu đoàn 800 đã tập kích Trại biệt kích Bình Sơn của địch, đồng thời phối hợp với du kích Long Thành diệt đồn Tam An, Phước Thọ để hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược. Trên hướng Hoài Đức - Tánh Linh, ta bao vây chi khu Hoài Đức và nhân đà đó đánh chiếm các ấp chiến lược Mêpu, Sùng Nhơn, Đậm Rim..., làm tan rã lực lượng dân vệ.

Ngày 3 tháng 1 năm 1965, chiến dịch tiến công Bình Giã của ta đã kết thúc thắng lợi. Hơn một tháng chiến đấu, bộ đội ta đã đánh năm trận cấp trung đoàn, hai trận cấp tiểu đoàn, tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực ngụy (Tiểu đoàn 33 biệt động và Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến), Chi đoàn 3 M113 (thuộc Thiết đoàn 1) và 2 đoàn xe cơ giới; đánh thiệt hại năng 3 tiểu đoàn biệt động quân (30, 35 và 38), 7 đại đội bảo an và làm tan rã hầu hết dân vệ. Tổng số địch bị diệt là 1.755 tên, bị bắt là 193 tên.

Có 45 xe của địch bị phá hủy, phá hỏng; 56 máy bay các loại bị bắn rơi, bắn cháy. Ta thu hơn 1.000 súng các loại. Nhiều ấp chiến lược ven đường 2, đường 15 bị phá tan. Huyện Hoài Đức được giải phóng. Vùng căn cứ Hát Dịch được củng cố, mở rộng, nối liền chiến khu Đ với căn cứ Bình Thuận bảo đảm cho tuyến vận tải đường biển từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Chiến dịch tuy có quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, báo hiệu sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch. Chiến thắng Bình Giã mở ra một thời kỳ mới của cuộc chiến tranh cách mạng: Thời kỳ kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá: trong quá trình chiến tranh giải phóng miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt; với trận Ấp Bắc, địch thấy khó thắng ta; sau chiến dịch Bình Giã, địch thấy thua ta. Về mặt quân sự, chiến thắng Bình Giã cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng bộ đội chủ lực thành quả đấm mạnh, đủ sức làm nòng cốt đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

a0603065-dfa2-4a6b-9431-aaf36e47e545-1689241948.jpeg
Đồng chí Lê Duẩn. Ảnh tư liệu.

Bước sang năm 1965, quân và dân miền Nam mở một loạt trận tiến công nhằm vào quân Mỹ. Ngày 29 tháng 1 năm 1965, trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn (MACV) bị tiến công, 55 sĩ quan Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ngày 12 tháng 2, Câu lạc bộ không quân Mỹ ở Tân Sơn Nhất bị đánh, 115 tên chết và bị thương. Ngày 30 tháng 3 năm 1965, biệt động Sài Gòn của ta tiến công Đại sứ quán Mỹ, diệt và làm bị thương hơn 132 tên. Viên Phó Đại sứ Mỹ Alêcxit Giônxơn bị thương nặng, Đại sứ Mỹ Taylo vắng mặt. Trận đánh này làm chấn động dư luận ở Sài Gòn và cả nước Mỹ.

Ngày 8 tháng 3 năm 1965, Mỹ đưa hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ vào Đà Nẵng. Đây là những đơn vị bộ binh chiến đấu đầu tiên được đưa đến miền Nam. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đến đây xuất hiện yếu tố của một cuộc “chiến tranh cục bộ”. Trước tình hình đó, từ ngày 25 đến 27 tháng 3 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp Hội nghị lần thứ 11 ra Nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Hội nghị đã đề ra chủ trương: Tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc “chiến tranh đặc biệt” ở mức cao nhất, ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam nếu địch gây ra; tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch; chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại hiện nay lên mức độ ác liệt gấp bội, hoặc chuyển nó thành “chiến tranh cục bộ” ở cả miền Nam lẫn miền Bắc; chi viện cho miền Nam, giúp đỡ cách mạng Lào.

Như vậy, Nghị quyết Trung ương lần thứ 11 của Đảng ta đã chuẩn bị trước cho nhân dân và quân đội về tư tưởng và tổ chức để đối phó với những tình huống phức tạp trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chấp hành Nghị quyết lần thứ 11 của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam quyết định tập trung binh lực mở một loạt các trận đánh có quy mô chiến dịch nhằm giành quyền chủ động tiến công, đánh cho quân chủ lực ngụy thất bại lớn hơn nữa, đồng thời sẵn sàng đánh đòn phủ đầu quân Mỹ nếu chúng tiến hành “chiến tranh cục bộ”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến