Tác giả sách nổi tiếng

Conan Doyle: Chiếc phễu da và biểu tượng văn hóa trường tồn với thời gian

Nhắc đến Sir Arthur Conan Doyle là nhắc đến hình ảnh quý ông thám tử tài hoa Sherlock Holmes với cái tẩu mang tính biểu tượng. Nhưng độc giả thân mến, liệu rằng cái bóng của Holmes quá lớn, đến nỗi như lu mờ đi nhiều tác phẩm cũng nổi tiếng của Conan Doyle hay chăng?

Sherlock Holmes vẫn là một tượng đài trong văn học tội phạm cũng như văn học Anh nhưng đừng quên rằng Conan Doyle để lại cho hậu thế vô vàn tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, thơ, kịch mà có thể kể đến như bộ truyện nói về giáo sư Challenger (Thế giới thất lạc...), Cuộc chiến Boer vĩ đại hay loạt truyện ngắn kinh dị được đăng dài kì trên các tạp chí nổi tiếng thời bấy giờ.

sir-arthur-conan-doyle-1698379833.jpg
Sir Arthur Conan Doyle (Sinh ngày 22/5/1859 – mất ngày 7/7/1930)

"Chiếc phễu da và những truyện kì bí" là những truyện ngắn được tinh tuyển mang đậm nét ma quái, khác biệt so với văn phong của Conan Doyle trước đây và lần đầu tiên được xuất bản tại Việt Nam. Mở đầu cuốn sách là truyện Cái rương kẻ sọc nói về một đoàn thủy thủ lênh đênh trên biển nhiều ngày. Tình cờ làm sao, một tay thủy thủ phát hiện ra một cái rương bí ẩn trôi nổi. Và đó cũng là bắt đầu cho tấn bi kịch khủng khiếp. Bầu không khí trong toàn bộ tuyển tập u ám và đặc quánh, không chừa lối thoát cho những suy nghĩ thông thường.

chiecpheuda-sirarthurconandoyle-1698380346.jpg
Tiểu thuyết "Chiếc phễu da và những truyện kì bí"

Người đọc có thể tìm thấy sự ảnh hưởng của những nhà văn truyện kinh dị vĩ đại như Edgar Allan Poe hay H.P. Lovecraft lên phong cách của Conan Doyle. Ví dụ như truyện Cái hầm mộ mới gợi nhớ nhiều nét tương đồng đến Thùng rượu Amontillado của Edgar Allan Poe, tuy nhiên ở đây Conan Doyle đã đi theo hướng đen tối và rùng rợn hơn nhiều so với bản của Poe. Conan Doyle đã cho thấy nét sáng tạo của mình khi vẽ ra những nỗi sợ ở những nơi chưa được khám phá trên thế giới. Vào thời điểm hàng không vẫn còn là điều gì đó mơ hồ, ông đã tưởng tượng ra không trung có thể ẩn chứa những sinh vật bí ẩn đe dọa như trong Nỗi kinh hoàng trên tầng không, hay những con quái vật ẩn sâu dưới lòng đất trong Nỗi kinh hoàng ở khe Blue John, mang hơi hướng điển hình của H.P. Lovecraft.

Bên cạnh hình thức triển khai các ý tưởng mà những nhà văn đi trước để lại, Conan Doyle còn khai thác những nội dung mới như ý tưởng các đồ vật có thể mang những ký ức có thể truyền tải về mặt tâm linh cho con người. Ở truyện Chiếc phễu da, nhà khảo cổ Lionel Dacre đã dẫn người đọc đến bí ẩn chiếc phễu da - một vật dẫn mà qua đó, nhân vật tôi cùng nhà khảo cổ được chứng kiến cảnh người phụ nữ xinh đẹp ở thời Trung cổ bị tra tấn đến chết theo cách tàn độc nhất.

chiec-pheu-da-phuc-minh-books-1698380691.jpg
"Chiếc phễu da và những truyện kì bí" được phát hành tháng 10/2023

Những truyện ngắn của Conan Doyle đôi khi chạm đến thế giới ma quái của Poe và Lovecraft tuy nhiên không chạm khắc quá chi tiết như Poe hay mang chất thơ điên loạn của Lovecraft. Văn phong của Conan Doyle gần giống với truyện ngắn của H.G. Wells, một giọng văn trần thuật thực tế những chuyện kỳ lạ mang tính báo chí nhiều hơn.

Các câu chuyện thường được mở đầu bằng một vài tình tiết nửa vời trêu tức người đọc, sau đó họ sẽ bị cuốn đi vào mạch chuyện dồn dập mà tác giả đã dụng công miêu tả. Như truyện Thợ săn bọ cánh cứng, một bác sĩ có trình độ cao được Huân tước giao cho công việc nghiên cứu bọ cánh cứng để tiếp chuyện với ngài Thomas Rossiter. Vốn dĩ nhà côn trùng học và bác sĩ đã chẳng liên quan đến nhau, liệu ai mới là kẻ điên ở đây, Huân tước hay ngài Rossiter? Thêm một ví dụ cho thủ pháp gợi ý úp mở của Conan Doyle là truyện Chiếc hộp sơn mài. Một vị gia sư được thuê để chăm sóc con cái cho ngài John Bollamore đáng sợ, một người nổi tiếng lăng nhăng. Tuy đã góa vợ nhưng ông ta vẫn thường nói chuyện với một cô gái trong phòng. Độc giả hiện đại hiển nhiên có thể đoán ra bí ẩn của ngài Bollamore nhưng với truyện ngắn đó, Conan Doyle đã chứng tỏ tầm nhìn vượt thời đại của mình khi khoa học công nghệ còn chưa phát triển.

sherlock-holmes-1698381739.jpg
Sherlock Holmes biểu tượng gắn liền Conan Doyle

Và hình bóng của Holmes vẫn in dấu lên sáng tác của Doyle, dù vô tình hay hữu ý, thông qua truyện Tấm giáp ngực của người Do Thái. Một bức thư nặc danh được gửi đến bảo tàng để cảnh báo về vụ mất cắp. Sau đó, món đồ không bị đánh cắp nhưng người ta phát hiện một số chi tiết quanh viên đá quý trên tấm giáp ngực bị hư hỏng nhưng viên đá vẫn còn nguyên. Sự việc lặp lại vào hôm sau. Nghi vấn đặt ra, tại sao cần làm hỏng tấm giáp nhưng lại không lấy đi những viên đá quý?

Một vài độc giả có thể sẽ đoán ra câu trả lời trước khi câu chuyện kết thúc, nhưng đó không phải là tất cả. Ngày nay, truyện trinh thám có xu hướng giữ kín những thông tin quan trọng đến cuối truyện cho thám tử bóc trần sự thật, nhưng với phong cách whodunit cổ điển, người đọc và thám tử sẽ cùng lúc nhận được những thông tin và trổ tài suy luận kẻ thủ ác là ai.

Cuốn sách "Chiếc phễu da và những truyện kì bí" một lần nữa khẳng định sức sáng tạo vô biên của Conan Doyle trải dài trong nhiều thể loại văn học, nâng tầm vị thế khiến tên tuổi ông trở thành một biểu tượng văn hóa trường tồn với thời gian.

Xem thêm ở đây:

@nhanlucnhantai ‘Chiếc phễu da và những truyện kỳ bí’ - Sự thật ẩn giấu sau những vụ án bí ẩn #nlntv #chiecpheuda #sachhay #sachhaynendoc #sáchhay #conandoyle #trinhtham #docsach ♬ nhạc nền - Nhân Lực Nhân tài Việt
BXT