Chất Nghệ trong hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 1)

Lương Đàm
Hồ Chí Minh đã hai lần về quê. Những bài nói, bài viết, thư từ cho quê hương Nghệ Tĩnh đã được ghi lại và in thành sách'. Các nhà khoa học còn không ít việc để tính. Các nhà văn, nhà thơ còn nhiều việc để làm. Cả nước cũng như riêng Nghệ - Tĩnh mong có được những công trình nghiên cứu và tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương. 
chu-tich-ho-chi-minh-1589447951034164672474-1589613497680-1589613498227673659-1723992948.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất. Ảnh: Internet

Đó sẽ là một sản phẩm thú vị để hiểu thêm về Hồ Chí Minh; và cũng là hiểu thêm về mảnh đất Nghệ - Tĩnh. Có điều, ở khía cạnh thứ hai này, không phải để làm cho Nghệ - Tĩnh tách biệt hoặc đứng cao hơn các nơi khác, mà để cho Nghệ -Tĩnh có đóng góp riêng và đặc sắc vào cái vốn chung của Việt Nam. Bởi lẽ Hồ Chí Minh là con người rất Nghệ mà cũng rất Việt Nam. Nghệ và Việt Nam, hai vế khác nhau mà không đối lập nhau, khác nhau mà bổ sung cho nhau. Chất Nghệ thấm vào nhiều thói quen sinh hoạt của Hồ Chí Minh, như ta đã biết. Nhưng chất Nghệ đó, không cộm lên như một cái gì xa lạ, hoặc bảo thủ, trong một sự hiện thân và hóa thân đẹp nhất ở con người Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Điều thú vị mà không xa lạ, đáng ngạc nhiên mà dễ hiểu: Con người là sản phẩm của thời đại, có hoạt động mang tầm quốc tế, bôn ba khắp thế giới, đến với rất nhiều phương trời, thông thạo nhiều thứ tiếng, sống với nhiều nền văn hóa, nhiều phong tục tập quán khác nhau, con người đó vẫn không quên, không đánh mất đi những nét dáng, những phẩm chất được đào luyện từ một vùng quê khắc khổ, bị kẹt giữa núi và biển, quanh năm lầm lụi và căng thẳng với gió Lào và lụt bão. Cái vùng quê đã ổn định thành nét và tưởng cũng chưa thay đổi mấy cho đến hôm nay, như được ghi trong sách Nghệ An chí của Bùi Dương Lịch: “Nghệ An đất xấu dân nghèo, kiên cố nhẫn nại, cần cù tiết kiệm”.

Có phải cho đến tận bây giờ đất đai Nghệ - Tĩnh vẫn chưa được cải tạo mấy, dân vẫn chưa giàu... Còn con người Nghệ -Tĩnh, ở tại chỗ, hoặc đi đâu, trên khắp các vùng, miền của đất nước, hoặc của thế giới, vẫn “kiên cố nhẫn nại”, “cần cù tiết kiệm”. Có phải đó là một nghịch lý hoặc một cái gì chưa hợp lý, do lịch sử để lại, mà nhiều thế hệ còn chưa giải quyết và cho đến hôm nay đáng lẽ chúng ta phải giải quyết, hoặc có hướng giải quyết…

Chất Nghệ đó quả đã được kết tinh đậm nét qua những ông đồ Nghệ. Chất Nghệ đã thúc đẩy bao trí thức lên đường: Kiếm sống, nuôi thân, lập nghiệp. Chất Nghệ tạo một danh sách đông đảo những tên tuổi: Các chiến sĩ cách mạng, những danh nhân khoa học và nghệ sĩ. Riêng thế kỷ XX này, đất Nghệ đã là cái nôi làm xuất hiện và hiện diện hai nhân vật lớn, vừa là danh nhân cách mạng vừa là danh nhân văn hóa: Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh.

phan-boi-chau-vanvn1-1723993053.jpg
Nhà yêu nước Phan Bội Châu cũng là một người con xứ Nghệ. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Là danh nhân, cái gốc sâu trên đất quê không là sự trở ngại, trái lại còn là nền cho sự vươn tỏa xum xuê của lá cành trên bề rộng. Cả hai nhân vật trên đều là người có kích thước rộng. Nhưng có khác nhau, như là một sự bổ sung, và tiếp sức cho nhau. Một người hướng về phương Đông rồi thất vọng. Một người hướng về phương Tây rồi tìm ra lối thoát. Đông và Tây tưởng như cách biệt trong quan niệm của Phan Bội Châu, hóa ra không cô lập, không kỳ thị nhau, mà gắn bó với nhau trong nhận thức và phát hiện của Nguyễn Ái Quốc.

Hai gương mặt lớn của thế kỷ XX này đều từ đất Nghệ mà đi, thậm chí hẹp hơn, từ Nam Đàn mà đi. Ra đi trong một khát khao tìm hiểu. Rồi từ sự giàu có lên trong nhận thức, trong trí tuệ mà trở thành vĩ nhân. Cái gì đã tạo nên sự vĩ đại ấy, không thể không nói đến những khát khao được tích tụ lại, những kiên nhẫn và kiên trì tìm đường, nó gắn với hoàn cảnh không gian, thời gian trong bối cảnh nơi sinh trưởng.

Tôi tự xét chưa đủ khả năng đi sâu vào khía cạnh này. Xin được học tập ở các nhà văn hóa học, xã hội học, địa phương học - những bậc túc nho, những học già. Một chuyên đề về Ông đồ Nghệ nói chung - những ông đồ khăn gói ra đi, hoặc đi rồi trở về, đã có từ xưa lắm, và những chuyên đề về các danh nhân Nghệ Tĩnh sẽ giúp sáng tỏ điều này. Riêng về Hồ Chí Minh, một chuyên đề về Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa, như tiêu đề mà tổ chức UNESCO của thế giới để ra cho kỷ niệm của năm 1990 sẽ càng làm sáng tỏ thêm. Có một nhận xét sơ bộ: Ở Hồ Chí Minh, cũng như ở các danh nhân, sức hấp dẫn là ở các kích thước lớn, và đồng thời là ở một dấu ấn riêng khá nổi đậm của xứ quê. Những danh nhân, là tài sản chung của nhân loại, cũng là sản phẩm của một xứ sở.

quang-truong-ho-chi-minh-2-1723993053.jpg
Quảng trường Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm nổi tiếng tại Nghệ An. Ảnh: Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh & Tượng đài Bác Hồ

Tôi chưa thấy một danh nhân nào lại không gắn với dấu ấn một vùng quê - từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đến Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Cái phần quê hương góp vào cho mỗi sinh thể trên đất quê, bao gồm cả danh nhân, cố nhiên còn phải tính đến cả những mặt tiêu cực và nhược điểm. Điều này Hồ Chí Minh hẳn rõ hơn ai hết khi ta đọc lại những bài nói với các giới nhân dân trong dịp ông về thăm quê, năm 1957 và 1961'. Nhưng khi đã là danh nhân thì những sự gò bó và cản trở này sẽ được hạn chế - danh nhân là người nhờ bản lĩnh của mình, nhờ cái vốn lớn của mình mà biết cách khắc phục các mặt nhược điểm. Nói cách khác, danh nhân là người bằng những tầm cao và sự lịch lãm của mình mà vượt ra khỏi sự phong bế của những rào ngăn, những ranh giới - kể cả những ranh giới địa lý, ngăn cách các vùng đất khác nhau.

Những ranh giới địa lý, dẫu là cụ thể, có khi là nhỏ, không phải trên quy mô một vùng, mà có khi chỉ là quy mô thôn - làng; hay chính vì quy mô thôn làng, do sự trì trệ của phương thức sản xuất phong kiến kéo dài quá lâu đời mà trở thành mô hình chung cho cả vùng, hoặc rộng hơn; cái mà lâu nay ta thường gọi, đôi khi với một niềm tự hào nhiều thi vị, là công xã nông thôn, với sự bảo tồn và tích đọng nhiều thứ trong đó, cả tích cực và lạc hậu, cả tinh hoa và hủ lậu... cái ranh giới đó, nếu không thoát ra được, không phá bỏ được, sẽ là một tác hại lớn cho con đường đất nước tiến lên, về mặt kinh tế - xã hội; sẽ có tác hại lớn cho cả một quốc gia, dân tộc về mặt ý thức, tinh thần.

Tôi xin không đi xa đề mà trở về Hồ Chí Minh như một danh nhân lịch sử - người đã khai thông và mở rộng các biên giới để đưa dân tộc không những thoát khỏi sự phong bế của chủ nghĩa phong kiến và thảm trạng ngăn cách, chia rẽ của chủ nghĩa thực dân - cả hai nền thống trị ấy đều dựa trên sự phân cách và chính sách ngu dân; - mà còn đưa Việt Nam vào cộng đồng nhân loại, như một người đồng thời. Trong hiệu quả của hoạt động xã hội lớn lao đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng tinh thần: đưa tình yêu quê hương - làng nước lên tình yêu Tổ quốc, và đưa tình yêu Tổ quốc truyền thống lên một hình thái mới - tình yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hãy còn nhiều khía cạnh của lý luận và thực tiễn để cho ta bàn về chuyện này, nhưng cái mới mà Hồ Chí Minh đã đem lại, rõ ràng là đáng kể.

GS. Phong Lê