I. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực đóng một vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Đối với Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang được đẩy mạnh. Đồng thời xu hướng toàn cầu hóa đang tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với thách thức đối với chúng ta. Trước thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là lao động chất lượng cao ở tất cả các ngành nghề để bắt kịp với thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh không chỉ ở Việt Nam mà còn là một vấn đề cần khắc phục và cải thiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đó là “Chảy máu chất xám”. Hiện tượng này gây thất thoát nguồn nhân lực và làm ảnh hướng đến nền kinh tế quốc gia và sự phát triển của đất nước. Vì thế, để hiểu rõ nét nhất về vấn đề “Chảy máu chất xám” và từ đó tìm ra những giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng cho sự phát triển của Việt Nam, nhóm đã lựa chọn đề tài nghiên cứu “Vấn đề chảy máu chất xám và giải pháp thu hút lao động chất lượng cao tại Việt Nam”.
II. Cơ sở lý thuyết
2.1. Nguồn lực con người (lao động)
Nguồn lực con người, hay còn gọi là nguồn nhân lực – là tổng thể những tiềm năng, năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển. Đây là nguồn lực quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Sự góp mặt của nguồn lực lao động tạo nên giá trị và đóng góp vào nền kinh tế như: sức mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, tạo ra giá trị gia tăng, tác động đến đầu tư và phát triển, phát triển xã hội.
2.2. Lao động chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ chung cho các đối tượng lao động làm thông thạo với bất kỳ một nghề nào đó, và việc họ thành thạo đó khiến họ trở thành một lao động giỏi và có kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề của mình. Để đánh giá được nguồn lao động chất lượng cao dựa vào các yếu tố sau:
Đầu tiên là khả năng thích ứng nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học công nghệ mới, với năng lực chuyên môn và trình độ thành thạo nghiệp vụ cao.
Thứ hai là có ý chí vượt khó, bền bỉ trong công việc, có năng lực kiềm chế bản thân...
Thứ ba là có đạo đức nghề nghiệp thể hiện qua tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm, tinh thần dân chủ, hợp tác và ý thức về tập thể, vì cộng đồng cao.
Thứ tư là có kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thay đổi, thích ứng nhanh, hội nhập cao, có sáng kiến đột phá, sáng tạo trong công việc...
Cuối cùng là có năng lực thực tế tạo nên kết quả cao và vượt trội trong công việc, có năng lực cạnh tranh, có đóng góp thực sự hữu ích cho xã hội...
2.3. Chảy máu chất xám
“Chảy máu chất xám” là một thuật ngữ chỉ hiện tượng những lao động có trình độ, tay nghề chất lượng cao, những lao động trí thức từ nơi này sang nơi khác tạo ra giá trị lao động, của cải,... nhưng lại không đem lại giá trị cho tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia của mình. Ở quy mô vi mô, “Chảy máu chất xám thể hiện ở các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng hiện tượng này ở quy mô vĩ mô là sự thất thoát lao động từ quốc gia này qua quốc gia khác sẽ gây nên những tác động tới nền kinh tế quốc gia.
Mục đích chính của các lao động chất lượng cao lựa chọn làm việc ở một quốc gia khác là để tìm kiếm thu nhập cao hơn, môi trường tốt hơn. Vì thế mà xu hướng “xuất ngoại” ở lao động chất lượng cao ngày càng trở nên phổ biến.
III. Thực trạng chảy máu chất xám tại Việt Nam
Vấn đề chảy máu chất xám chưa luôn là một chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm của mỗi quốc gia, không riêng Việt Nam. Trong thời đại toàn cầu hóa, cơ hội tìm kiếm việc làm rộng mở trên toàn thế giới, nhiều nhân công, nguồn nhân lực chất lượng cao đã đi tìm cho mình công việc ở các quốc gia phát triển. Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 3,7 triệu cư dân, lao động đang sinh sống, công tác và làm việc tại nước ngoài. Cùng nhìn vào số liệu về cư dân, ngành nghề của người Việt Nam tại 3 quốc gia phát triển thu hút lượng nhân công lớn bậc nhất là Hoa Kỳ, Nhật, Úc, chiếm khoảng 55% số lượng cư dân, lao động đang sinh sống, làm việc của Việt Nam tại nước ngoài để thấy được xu hướng dịch chuyển của lao động Việt Nam sang những thị trường lao động hấp dẫn hơn:
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia có lượng người Việt Nam sang sinh sống và làm việc lớn nhất. So với những năm trước, hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự tăng trưởng chậm hơn của dân số người Việt nhập cư vào Hoa Kỳ. Tuy vậy, tổng dân số Việt Nam nhập cư Hoa Kỳ đã tăng 16% từ năm 2010 đến năm 2022. Khoảng 1,3 triệu người Việt Nam đang hoạt động tại Hoa Kỳ là một nguồn nhân lực lớn, trong đó, phần lớn là dân cư trong độ tuổi lao động từ 18-64 tuổi, chiếm khoảng 75% so với 58% người sinh ra ở Hoa Kỳ và 77% tổng số người nhập cư.
Trong số những người Việt Nam đến từ năm 2017 đến năm 2021, 28% người trưởng thành có bằng đại học. Tuy chỉ chiếm khoảng 1/4 lượng người Việt Nam sinh sống, những với số lượng dân cư lên tới 1,3 triệu người thì lượng lao động chất lượng cao tại Hoa Kỳ lên tới khoảng 365000 người. Đây chính là lượng chất xám lớn chảy sang những quốc gia phát triển để tìm cho mình môi trường làm việc lý tưởng hơn.
Người Việt Nam tham gia lực lượng lao động với tỷ lệ gần như tương đương với tất cả người nhập cư, hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực quản ý, kinh doanh nghệ thuật và khoa học chiếm 36%, Người Việt cũng được đánh giá phát triển mạnh trong hoạt động nhiều các ngành dịch vụ chiếm 30% lực lượng lao động nhập cư.
Nhật Bản
Nhìn xu hướng theo quốc tịch, số lượng người Việt Nam đông nhất với 443.998 người, chiếm 25,7% tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Tốc độ tăng của người Việt là 10,6% (42.672) một năm, cho thấy sức hút to lớn của thị trường Nhật Bản đối với người lao động Việt Nam.
Trong đó, chiếm phần lớn là những người lao động phổ thông sẽ được đào tạo bài bản tại Nhật Bản chiếm khoảng 50% (218,600). Những nhân công này sau khi được đào tạo, sẽ trở thành nguồn nhân lực giá trị, chất lượng, phục vụ lâu dài cho Nhật Bản. Đặc biệt, có khoảng 62,155 chiếm 15% trên tổng số người Việt Nam là kỹ sư, doanh nhân, quản lý làm việc trong nhưng ngành nghề đặc thù đòi hỏi. Đây chính là nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam đang chảy vào Nhật Bản. Tuy chỉ chiếm 15% trên tổng số, tuy nhiên đây là một số 62 nghìn kỹ sư quản lý là một lượng chất xám không nhỏ chảy ra nước ngoài. Những năm gần đây, tỷ lệ người Việt sang Nhật Bản lao động trên tổng thể có xu hướng tăng mạnh chiếm khoảng 86%, đồng thời lượng người sang Nhật Bản học việc cũng như làm việc cũng có tỷ lệ tăng.
Úc
Tính đến cuối tháng 6 năm 2021, có 268.170 người gốc Việt đang sống ở Úc và trở thành cộng đồng di cư lớn thứ sáu ở Úc, tương đương 3,6 phần trăm dân số sinh ra ở nước ngoài của Úc và 1,0 phần trăm tổng dân số Úc.
Hàng năm, Chính phủ Úc cũng có nhiều chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho các cá nhân có trình độ, làm việc trong lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Úc như đầu tư phát triển, nhà tuyển dụng, đối tác kinh doanh… được cấp Visa vĩnh trú. Trung bình hàng năm có khoảng 5-6 nghìn người Việt Nam được cấp Visa vĩnh trú do có trình độ và chuyên môn cao.
Mỗi năm có khoảng 6 nghìn người Việt Nam được cấp Visa vĩnh trú tại Úc, thường làm trong những ngành nghề mà Úc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như kinh doanh, nhà tuyển dụng, nhân tài toàn cầu… Đặc biệt, số lượng của diện được cấp Visa vĩnh trú cũng có xu hướng tăng lên tại quốc gia này. Bên cạnh đó, số người được cấp Visa ngắn hạn cũng có khoảng 1 nghìn người mỗi năm. Xu hướng làm việc ngắn hạn cũng trở nên ngày càng phổ biến tại Úc khi Chính phủ Úc luôn có những chính sách đãi ngộ tốt cũng như điều kiện làm việc, sinh sống lý tưởng.
Theo số liệu khảo sát dân số năm 2016, trong số những người sinh ra ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, chỉ có 8,1% không có trình độ chuyên môn và vẫn đang theo học tại một cơ sở giáo dục. Còn lại, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 60,9%. Trong số 114.813 người sinh ra ở Việt Nam có việc làm, 39,4% làm nghề quản lý, chuyên môn hoặc thương mại lành nghề. Tỷ lệ tương ứng trong tổng dân số Australia là 48,8%.
Qua số liệu về số lượng, độ tuổi, học vấn, ngành nghề làm việc của 3 quốc gia thu hút lượng lớn nhân công Việt Nam trên, có thể thấy được rằng, xu hướng dịch chuyển lao động toàn cầu tới những nơi có điều kiện sinh sống, tiền lương lý tưởng hơn đang ngày càng trở nên phổ biến. Vì môi trường làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chế độ đãi ngộ tiền lương thấp khó cạnh tranh được với các quốc gia phát triển, Việt Nam ngày càng trở nên kém thu hút trong mắt người lao động trong nước và quốc tế. Hiện tượng chảy máu chất xám diễn ra ngày càng tăng khi những nguồn nhân lực chất lượng cao đi tìm quyền lợi xứng đáng với khả năng của họ.
(Còn tiếp)