Vai trò và nhiệm vụ của tác chiến phòng thủ chiến lược

Lương Đàm
Từ những tiền đề lý luận và thực tiễn về thời kỳ đầu chiến tranh, có thể thấy công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam hiện nay nhất thiết phải gắn với chuẩn bị chu đáo cả về lý luận và thực tiễn cho tác chiến phòng thủ chiến lược của binh đoàn chủ lực thời kỳ đầu chiến tranh. Trước hết, cần nhận thức sâu sắc, thực sự khoa học những vấn đề cơ bản của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh.
images2168039-1012-dientap-1-1695743250.jfif
Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ. Ảnh: Báo Vĩnh Long.

Về vị trí, vai trò của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, trước hết là quyết định việc đánh bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch, giữ vững các mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho các hoạt động tác chiến tiếp theo. Sự phát triển của vũ khí trang bị, điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc tế, khu vực và ngay cả các nước tham gia liên minh xâm lược, với chi phí lớn cho chiến tranh,... không cho phép kéo dài chiến tranh.

Vì vậy, đánh nhanh, thắng nhanh là chủ trương, phương thức tác chiến chủ yếu của kẻ tiến công xâm lược. Tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là hoạt động tác chiến đầu tiên diễn ra trên bộ, nếu đánh bại được cụm lực lượng Thê đội I chiến lược của địch, giữ vững mục tiêu, địa bàn, sẽ quyết định việc đánh bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, tạo thế, tạo thời cơ cho các hoạt động tác chiến tiếp sau.

Tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là giai đoạn trực tiếp quyết định đến tiến trình vận động, kết cục của tác chiến phòng thủ chiến lược và của cả cuộc chiến tranh. Đòn tiến công trên bộ đầu tiên của địch có thể diễn ra bất ngờ, kế tiếp hoặc đồng thời với đòn tiến công hỏa lực, được tập trung cao độ cả về lực lượng, phương tiện, tạo sức đột phá lớn, tốc độ cao. Nếu ta tiêu hao, sát thương, ngăn chặn, đánh bại địch tiến công trên các hướng, đứng vững trước đòn tiến công của địch, giữ vững thế trận chiến lược cơ bản, sẽ tạo ra thế, lực, thời cơ để giành thắng lợi trong tác chiến phòng thủ chiến lược và cả cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thắng lợi, hay thất bại trong thời kỳ đầu chiến tranh sẽ tác động mạnh đến ý chí, niềm tin, quyết tâm kháng chiến của quân và dân cả nước, cũng như thái độ của các nước trong khu vực và thế giới, nhất là phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới. Thắng lợi của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh cũng tác động mạnh đến ý chí xâm lược của các thế lực xâm lược, làm phân hóa kẻ thù, tạo ra phong trào phản đối chiến tranh ngay trong lòng các nhà nước tham gia xâm lược.

Kết quả tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh còn là cơ sở để cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược xây dựng kế hoạch tác chiến tiếp theo. Tác chiến phòng thủ chiến lược diễn ra trên không gian rộng, thời gian tương đối dài, huy động nhiều lực lượng, phương tiện của cả nước tham gia; đánh địch bằng nhiều quy mô, hình thức, phương thức tác chiến, đối đầu với nhiều đối tượng địch khác nhau; diễn ra trên cả mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, tâm lý, ngoại giao,...

Do vậy, kết quả tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là cơ sở, tiền đề để hoàn chỉnh kế hoạch chỉ đạo, điều hành chiến tranh, phân chia các giai đoạn tác chiến và đấu tranh, xây dựng các phương án, kế hoạch tác chiến và kế hoạch bảo đảm tác chiến, chỉ đạo việc tập trung, phân tán lực lượng, phương tiện đúng thời cơ, tạo ưu thế sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn,...

images2168041-1012-dientap-3-1695743415.jfif
Lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt trong phối hợp, hiệp đồng và tổ chức tác chiến phòng thủ. Ảnh: Báo Vĩnh Long.

Cần nhận thức sâu sắc về những nhiệm vụ chủ yếu của tác chiến phòng thủ chiến lược trong thời kỳ đầu chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc:

Một, tiếp tục thực hiện các biện pháp chuyển đất nước sang thời chiến, động viên thời chiến; phòng, tránh, đánh trả tiến công hỏa lực đường không, dập tắt bạo loạn lật đổ; điều chỉnh phương án, kế hoạch tác chiến chiến lược, điều chỉnh thế bố trí lực lượng; bổ sung công tác chuẩn bị, củng cố quyết tâm, tinh thần chiến đấu.

Hai, chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả đòn tiến công hỏa lực của địch; giữ vững ổn định thế trận, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn lực lượng; tích cực đánh địch cơ động, triển khai tiến công trên hướng biển, đảo, biên giới; buộc địch phải bộc lộ lực lượng, ý đồ trước khi tiến công.

Ba, phối kết hợp chặt chẽ các lực lượng, các chiến trường, loại hình, quy mô, tác chiến và đấu tranh, sát thương, tiêu hao, ngăn chặn, đánh bại địch tiến công trên các hướng, giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu, làm suy yếu, ngăn chặn các cụm lực lượng Thê đội I của địch.

Bốn, củng cố lực lượng, giữ vững thế trận phòng thủ chiến lược có lợi; nắm vững thời cơ, kịp thời chuyển hóa thế trận, tiến hành các chiến dịch phản công, tiến công, đợt tác chiến tập trung,... đánh vào bên sườn, phía sau lưng địch, thực hiện sát thương lớn, tiêu diệt bộ phận, buộc địch sa lầy, suy yếu, bị động; giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược trọng yếu, tạo thế tạo lực, thời cơ cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến