Ngay từ thời bình, việc xây dựng lực lượng quốc phòng đã phải được triển khai toàn diện, cả xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng lực lượng phi vũ trang của nền quốc phòng toàn dân. Hơn nữa, công cuộc xây dựng lực lượng quốc phòng phải tính đến đáp ứng trực tiếp cho nhu cầu thời kỳ đầu chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Điều đó có nghĩa là tất cả các lực lượng vũ trang và phi vũ trang đều phải đủ khả năng bước ngay vào cuộc chiến tranh (nếu xảy ra) với sự sẵn sàng hoàn toàn về mọi mặt.
Lực lượng bảo vệ Tổ quốc là lực lượng toàn dân - đó là vấn mang tính quy luật của dân tộc Việt Nam. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mỗi khi buộc phải tiến hành chiến tranh, người Việt đều coi trọng truyền thống huy động và tổ chức cho toàn dân đánh giặc.
Một mặt, đối với một dân tộc không lớn lại phải thường xuyên đối mặt với những kẻ thù xâm lược mạnh hơn nhiều về phương diện quân sự, thì không thể đơn thuần dựa vào lực lượng vũ trang chuyên biệt, mặc dù đây vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, mà phải bằng mọi cách huy động sức mạnh toàn dân. Trong chiến tranh, người dân không chỉ nuôi dưỡng, che chở, hậu thuẫn, ủng hộ, cung cấp nhân lực, vật lực,... cho các lực lượng vũ trang, mà còn trực tiếp cầm mọi loại vũ khí có thể có để đánh giặc, giữ nước.
Đặc biệt, đối với chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc huy động toàn dân đánh giặc càng trở nên tất yếu. Kẻ thù xâm lược tuy rất mạnh về quân sự, song vẫn luôn thất bại nếu đối phó với cả dân tộc thay vì chỉ đơn thuần đối phó với lực lượng vũ trang chuyên biệt. Các phương án hoạt động tác chiến bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang chủ lực chỉ thực sự đạt hiệu quả cao khi được đặt trên cơ sở gắn với thế trận lòng dân, dựa vào mọi nguồn lực của đất nước, phối hợp với tác chiến rộng khắp của các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương “căng địch ra mà đánh”...
Hơn nữa, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay không chỉ là bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà còn là bảo vệ chế độ chính trị - xã hội hợp lòng dân, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình và lợi ích thiết thân của người dân, nên hoàn toàn có thể dựa chắc trên nền nhân dân và huy động được lực lượng toàn dân đánh giặc.
Tư tưởng về tính toàn dân của chiến tranh là nội dung quan trọng trong tư tưởng chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tính toàn dân của chiến tranh thể hiện ở sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong chiến tranh. Một cuộc chiến tranh nhân dân thực sự là cuộc chiến tranh do chính nhân dân tiến hành. Bản chất của chiến tranh nhân dân đòi hỏi không chỉ khi chiến tranh xảy ra, nhân dân mới là lực lượng tham gia, mà vấn đề quan trọng là họ phải được vũ trang cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến tranh ngay trước khi xảy ra chiến tranh, trong điều kiện hòa bình.
Sự tham gia đông đảo, rộng rãi của tất cả các tầng lớp nhân dân với những hình thức và mức độ khác nhau trong chiến tranh là tiêu chí căn bản quy định tính chất nhân dân của cuộc chiến tranh đó. Trong chiến tranh nhân dân, nhất thiết phải dựa trên sức mạnh của toàn dân, phải do toàn dân tiến hành, phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, đánh địch bằng mọi lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, cả hậu phương và tiền tuyến.
Mặt khác, nói đến vai trò rộng lớn của toàn dân đánh giặc không có nghĩa là không nhấn mạnh vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang. Trong lịch sử chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng dân tộc, việc tiến hành chiến tranh toàn dân do các lực lượng dân binh ở địa phương đảm nhiệm cũng luôn cần phải có lực lượng vũ trang chuyên biệt làm nòng cốt thì mới thực hiện tốt vai trò căng kéo địch, phối hợp và tạo cơ hội để lực lượng vũ trang chuyên biệt tổ chức các trận đánh lớn. Đặc biệt, chính những trận quyết chiến chiến lược mới thực sự làm chuyển biến hẳn cục diện chiến tranh có lợi cho ta, nhất là những trận quyết chiến chiến lược then chốt nhằm giải quyết hoàn toàn kết cục của chiến tranh, chủ yếu phải do lực lượng vũ trang chuyên biệt đảm nhiệm, tập trung sức mạnh quân sự nhằm thực hiện các phương án tác chiến tối ưu.
Đối với chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện trình độ tổ chức và hoạt động quân sự trên thế giới đương đại đã phát triển rất cao, thì lực lượng vũ trang chuyên biệt phải trực tiếp đối mặt với chiến tranh ngay từ đầu. Do vậy, nếu chúng ta chỉ tập trung cho việc tổ chức toàn dân đánh giặc mà không quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang chuyên biệt đủ mạnh thì chắc chắn sẽ không đủ sức trụ vững và đi đến chiến thắng cuối cùng. Hoạt động quân sự ngày càng phát triển, với hàm lượng trí tuệ khoa học cao, thì càng cần đến lực lượng vũ trang chuyên biệt biết cách giải quyết dứt điểm từng vấn đề bằng biện pháp quân sự.
Ngay việc huy động và tổ chức nhân dân thực hiện chiến tranh nhân dân địa phương rộng khắp cũng cần đến vai trò chỉ đạo, hướng dẫn hết sức thiết yếu của các chuyên gia quân sự. Đồng thời, khi đã từng bước thành công trong việc sử dụng lực lượng vũ trang toàn dân rộng khắp làm suy yếu thế địch, cần phải có lực lượng vũ trang chuyên biệt với trình độ kỹ chiến thuật quân sự hiện đại, vũ khí trang bị và cách đánh phù hợp mới có thể mở những trận quyết chiến chiến lược làm thay đổi cục diện chiến trường và kết thúc chiến tranh.
Mục tiêu của các cuộc chiến tranh phi truyền thống không chỉ nhằm trực tiếp vào chủ quyền lãnh thổ đất nước như chiến tranh truyền thống, mà còn nhằm vào từng đối tượng con người trong xã hội (chiến tranh tâm lý), vào các ngành kinh tế trọng yếu (chiến tranh kinh tế), vào hệ thống lưu giữ, xử lý, điều hành thông tin (chiến tranh tình báo, chiến tranh mạng) được tiến hành bằng cả “vũ khí sát thương mềm”, diễn ra ngay cả trong thời bình.
Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có thể là mục tiêu tiến công của địch. Do vậy, việc tiến công và phòng thủ trong các loại hình chiến tranh này không còn là của riêng lực lượng vũ trang, mà là của toàn xã hội. Theo đó, phải xây dựng lực lượng nòng cốt đấu tranh trên mặt trận truyền thông để đối phó với hình thức chiến tranh thông tin, văn hóa, tư tưởng; lực lượng nòng cốt để tiến hành tác chiến mạng không gian, đối phó có hiệu quả với hình thức chiến tranh sử dụng mạng máy tính; lực lượng nòng cốt trong phát hiện và đối phó kịp thời với các hình thức, thủ đoạn chiến tranh kinh tế,... của địch.