Tháng 1-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8-1945, đồng chí là Đại đội trưởng đơn vị bảo vệ Bác Hồ. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí đề nghị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp xung phong Nam tiến chiến đấu ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ với chức vụ là Chi đội trưởng. Chi đội 3 Nam tiến của đồng chí đã lập được nhiều chiến công, đi vào lịch sử, là đội Nam Tiến được nhân dân Nam Bộ yêu mến đặt tên là “Chi đội Nam Long”, và cái tên tướng Nam Long cũng bắt đầu từ đó.
Từ tháng 4-1946, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Hải Dương, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 59, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Ủy viên Khu 12; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 - Sư đoàn 312. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, Trung đoàn đã tiến đánh thắng lợi một số trận nổi tiếng như Ba Huyên (Chiến dịch Trung du), Ba Vì (Chiến dịch Hòa Bình), Ba Lay (Chiến dịch Tây Bắc). Trải qua rèn luyện, Trung đoàn 141 trở thành một trong những Trung đoàn giỏi đánh công sự vững chắc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận đánh Him Lam lịch sử.
Năm 1953-1955, đồng chí được bổ nhiệm các chức vụ: Tham mưu trưởng Đại đoàn 304, rồi Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 (theo Biên niên sự kiện Sư đoàn 304). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Tham mưu trưởng, đồng chí đã cùng Ban Chỉ huy Đại đoàn 304 chỉ huy bộ đội bao vây kiềm chế và tiêu hao quân Pháp ở Phân khu Hồng Cúm, không cho quân Pháp chi viện cho khu Mường Thanh, chặn đường tiếp tế và không cho quân Pháp trốn sang Lào. Đồng thời, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ khoảng 2.000 quân Pháp ở Hồng Cúm định tháo chạy về Thượng Lào. Chiến công đó đã góp phần vào sự toàn thắng của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ - một trong những trận tiêu diệt lớn và gọn nhất trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một thời gian sau trận đại thắng lịch sử chấn động địa cầu Điện Biên Phủ, đồng chí Nam Long được Bộ Quốc phòng điều sang học tập ở Học viện Quân sự Vorosilov của Liên Xô. Trên chiến trường, đồng chí Nam Long nổi tiếng là một thiện xạ, dũng cảm, còn trong nhà trường đồng chí cũng là học viên xuất sắc.
Trở về khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Pháo binh; Tư lệnh Quân khu Tả ngạn; Tư lệnh Quân khu 4; Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên... Bản lĩnh, dạn dày trận mạc, lại sống nghĩa tình, gần gũi chiến sĩ, nên đồng chí Nam Long luôn được chiến sĩ yêu quý tin tưởng.
Đúng 30 năm sau lần Nam tiến thứ nhất, với tư cách đặc phái viên Bộ Quốc phòng, tướng Nam Long lại cùng đại quân thần tốc Nam tiến lần thứ hai tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng chí sát cánh cùng tướng Lê Trọng Tấn và tướng Đồng Sĩ Nguyên chỉ huy cánh quân phía Đông tiến vào Sài Gòn, có mặt ở dinh Độc Lập vào những giờ phút đầu tiên.
16 năm cuối hành trình binh nghiệp, tướng Nam Long được điều động về Hà Nội làm công tác giáo dục quốc phòng, trên cương vị Phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).
Suốt quá trình cống hiến cho cách mạng, đồng chí không ngại khó khăn, gian khổ, liên tiếp lập công. Năm 1981, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước phong hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bằng kiến thức quân sự học ở nước ngoài và nhất là kinh nghiệm thực tế phong phú chiến trường, tướng Nam Long là người thầy mẫu mực trong việc giáo dục, truyền thụ tri thức cho các thế hệ sĩ quan chỉ huy nối tiếp. Ông cũng nghiên cứu, đóng góp nhiều vấn đề quân sự quan trọng có tầm chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 1-7-1999, Trung tướng Nam Long đã trút hơi thở cuối cùng, để lại trong lòng người dân nỗi tiếc thương về một vị tướng quả cảm, tài trí và nhiều chiến công.
1. Baocaobang.vn
2. Sách “Tướng lĩnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”; sưu tầm, tuyển chọn: SÔNG LAM - DŨNG QUYẾT; NXB Văn Học 2014.
3. Dttc.sggp.org.vn/chien-tuong-hai-lan-nam-tien