
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang đẩy mạnh kế hoạch cắt giảm quy mô bộ máy liên bang, đồng thời tái cơ cấu ngành ngoại giao để phục vụ cho chiến lược “America First” mà ông theo đuổi từ đầu nhiệm kỳ.
Ông Olowski từng là cố vấn cấp cao tại Bộ An ninh Nội địa trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, và chính thức trở thành nhân viên ngành ngoại giao vào năm 2021. Dù mới chỉ hoàn thành một nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài, ông hiện được giao đảm nhiệm quyền lãnh đạo một cục vụ có vai trò then chốt trong việc điều phối nhân sự toàn cầu của Bộ Ngoại giao.
Thông tin này lập tức vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ nội bộ ngành ngoại giao Mỹ. Hiệp hội Ngoại giao Mỹ (AFSA) cho rằng việc bổ nhiệm một nhân sự trẻ, chưa có biên chế chính thức, vào vị trí trọng yếu như vậy là “đáng lo ngại sâu sắc”. Hiệp hội này ví quyết định của Nhà Trắng như “đưa một sĩ quan cấp thấp phụ trách toàn bộ hệ thống nhân sự của Lầu Năm Góc”.
Theo truyền thống, vị trí mà ông Olowski đảm nhận thường được trao cho các nhà ngoại giao kỳ cựu, có hàng chục năm kinh nghiệm và từng giữ vai trò đại sứ hoặc lãnh đạo cao cấp trong ngành. Ông Olowski là thành viên mạng lưới học giả Ben Franklin – nơi quy tụ nhiều nhân sự từng phục vụ trong chính quyền Trump, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Christopher Landau.
Một email nội bộ từ bà Catherine Rodriguez, người tiền nhiệm của ông Olowski và là cựu đại sứ, đã gọi đây là “giai đoạn chuyển giao sâu sắc” và kêu gọi nhân viên ủng hộ người kế nhiệm. Tuy nhiên, không phải ai trong ngành cũng sẵn sàng chấp nhận thay đổi này.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, ông Kent Longsdon, cựu Đại sứ Mỹ tại Moldova và hiện là Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách cục mà ông Olowski sẽ điều hành, đã tuyên bố sẵn sàng từ chức để phản đối quyết định trên. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận, cho rằng đây là vấn đề nhân sự nội bộ.
Hiện lực lượng nhân sự toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ có khoảng 70.000 người. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của ông Trump và tỷ phú Elon Musk, bộ máy liên bang đang đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm sâu. Nhiều phái bộ ngoại giao Mỹ ở nước ngoài có thể bị đóng cửa trong thời gian tới.
Trước đó, vào tháng 2, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio cải tổ ngành ngoại giao nhằm đảm bảo việc thực thi đầy đủ chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Sắc lệnh này cũng nêu rõ, việc không thực hiện nghiêm túc chương trình nghị sự của Tổng thống có thể bị xem là vi phạm kỷ luật và là căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ “quét sạch bộ máy ngầm” bằng cách sa thải những quan chức bị xem là không trung thành. Cùng với Elon Musk, ông đã tiến hành sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang và giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), dẫn tới nhiều chương trình cứu trợ nhân đạo, lương thực và y tế toàn cầu bị đình trệ nghiêm trọng.