Chuyện của người “Nông dân Việt Nam xuất sắc”
Người dân vùng Bảy Núi, An Giang mỗi khi nhắc đến ông Nguyễn Quốc Hùng (68 tuổi), tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đều nể phục. Ông Nguyễn Quốc Hùng là một trong số ít nông dân của cả nước từng 2 lần được bình chọn và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Từ một nông dân bình thường, ông Nguyễn Quốc Hùng đã miệt mài lao động, tích cóp hàng năm để có được tài sản lên đến hàng trăm công ruộng ở vùng Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Năm 2015, ông Hùng được bình chọn và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” với mô hình sản xuất lúa giống. Năm 2021, ông Hùng được bình chọn và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” với mô hình trồng bưởi da xanh.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông, xuất phát điểm của ông Nguyễn Quốc Hùng là 3ha đất đồng lúa được bố mẹ cho để trồng trọt, dần dần, vợ chồng ông Hùng đã mua gom đất của nhiều hộ gia đình khác để có con số 32ha đất ruộng như hiện nay. Trong quá trình trồng lúa quy mô hàng hóa, nhờ được Nhà nước hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật nên trình độ sản xuất của những nông dân như vợ chồng ông Hùng dần được nâng cao. Trong khi nhiều người dân ở thị trấn Óc Eo bỏ cây lúa vì năng suất thấp thì vợ chồng ông Hùng kiên quyết bám trụ, chịu khó tìm tòi và nghiên cứu để đến năm 2006 trang trại nghiên cứu, sản xuất lúa giống của ông ra đời, sau trở thành Công ty Lúa giống Hùng Hạnh.
Để đầu tư cho công ty lúa giống, ông Hùng đầu tư kho bãi chứa hàng, mua máy cày, máy ủi, máy gặt đập liên hợp, lò sấy, máy tách hạt giống, máy kéo; cải tạo hệ thống tưới tiêu và sử dụng tất cả 32ha đất chuyển sang sản xuất lúa giống chất lượng cao theo quy trình khép kín. Do cách làm khoa học, chất lượng lúa giống gia đình ông cung cấp được nhiều đơn vị, người dân đánh giá cao, từ đó, ông Hùng đã quyết định phối hợp với các tổ hợp tác trong vùng để mở rộng sản xuất.
Đến năm 2008, ông Hùng đã có 200ha diện tích đất sản xuất lúa giống, với sản lượng hàng năm khoảng 10.000 tấn, cung cấp lúa giống khắp đồng bằng sông Cửu Long và bán cả sang Campuchia. Năm 2016, trong lúc kinh doanh đang rất hiệu quả thì ông Hùng bàn với vợ tạm dừng sản xuất lúa giống, chuyển sang trồng cây ăn trái để việc chăm sóc nhẹ nhàng hơn và bắt đúng thị hiếu.
Sau chuyến tham quan, học hỏi mô hình trồng bưởi da xanh ở Bến Tre, ông Hùng quyết định chọn cây giống bưởi da xanh để chuyển đổi hướng canh tác. Đây là bước đi được xem là đột biến đối với vùng đất Thoại Sơn, An Giang. Năm 2019, sau 4 năm chăm sóc, vườn bưởi của ông Nguyễn Quốc Hùng đã cho đợt trái đầu tiên và ngay năm đó ông bắt đầu đăng ký VietGAP. Đến năm 2020 ông đăng ký sản phẩm bưởi da xanh của gia đình mình làm sản phẩm OCOP và được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao ông tiếp tục đưa bưởi da xanh của mình vào các siêu thị trong tỉnh, như: Coopmart, Tứ Sơn và các chợ đầu mối...
Nữ nông dân tỷ phú của làng
Trên mảnh đất Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội, nhắc đến nữ nông dân Nguyễn Thị Hồng, ai cũng biết đến chị với biệt danh “nữ nông dân tỷ phú của làng”.
Nông dân Nguyễn Thị Hồng (SN 1980) đã tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cùng tấm bằng kỹ sư sinh hóa. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Hồng đã tham gia làm dự án cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tìm đọc tài liệu về nấm linh chi, cơ duyên đã đưa chị đến với nấm đông trùng. Có sẵn trong người niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi, tiếp cận cái mới, chị Hồng đã đi sâu vào nghiên cứu loại nấm này, trong khi thời điểm đó, Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, tài liệu cũng rất hiếm hoi.
Tuy vậy, theo chị Hồng, thời điểm những năm 2009-2010, khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy cũng gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ, con giống. “Tôi tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Tuy vậy, họ chỉ bán giống cho mình mà không tiết lộ về công nghệ nên chuyến đi cũng gần như thất bại” - chị Hồng nhớ lại.
Rồi sau đó, chị Hồng cũng bắt đầu nuôi cấy nấm đông trùng nhưng thời điểm đầu hàm lượng hoạt chất sinh học cordycepin (đây là chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo) chỉ có 0,37mg/g. Năm 2011, sau khi được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chị đã nâng hàm lượng hoạt chất quý này lên 3,7mg/g, gấp 10 lần so thời điểm khởi nghiệp.
“Hiện tại, chúng tôi đã chủ động được nguồn giống nấm đông trùng. Đây là giống bản địa được lấy ở Hoàng Liên Sơn, trên đỉnh Fansipan. Giống bản địa này có khả năng sinh tồn tốt, ít bị thoái hóa, quan trọng hơn hàm lượng hoạt chất cordycepin trong đông trùng thành phẩm lên đến 10mg/g, gấp gần 30 lần so với thời điểm ban đầu khởi nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy những chủng giống đông trùng khác như Cordyceps nutans, Cordyceps pruinosa, Cordyceps takaomontana, Isaria tenuipes, trong đó có những chủng có hàm lượng adrenosin cao tới 3mg/g có tác dụng chống đào thải ghép” - chị Hồng hào hứng chia sẻ.
Thành công nào cũng đi liền với sự thất bại, nhất là với những nông dân tay ngang như chị Nguyễn Thị Hồng. Thời điểm năm 2012-2013, chị Hồng liên tiếp thất bại trong việc nuôi cấy đông trùng, tài sản cũng theo đó mà ra đi. “Chúng tôi không lường trước được sự thoái hóa của nấm đông trùng diễn ra quá nhanh như vậy. Đông trùng bị thoái hóa theo từng giờ chứ không phải theo từng ngày nữa. Cấy giống không hết chúng tôi để sang ngày mai. Thế nhưng, kết quả nuôi cấy nấm đông trùng ngày mai hoàn toàn khác với ngày hôm nay. Tất cả những sai lầm chúng tôi đã phải trả giá bằng rất nhiều tiền” - chị Hồng chia sẻ và cho biết chưa bao giờ có ý định từ bỏ “tình yêu” với nấm đông trùng.
Với mô hình trồng, sản xuất, chế biến nấm đông trùng sử dụng công nghệ nuôi cấy vi sinh, kết hợp với trang thiết bị máy móc hiện đại trong nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Hồng là 1 trong 9 nữ nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 có doanh thu “khủng” nhất - trên 40 tỷ đồng/năm.