Tìm lại hương vị 20 năm trước
Những ngày cuối năm, xưởng chế biến sâu ca cao của anh Vũ Văn Nghĩa (thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) tất bật rang xay những mẻ ca cao mới, chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất chocolate phục vụ Tết Nguyên đán.
Chủ nhân của xưởng chocolate khoe, những hạt ca cao được lấy từ quả loại một, thu hái và lên men cẩn thận, sẵn sàng tham gia vào quy trình tạo nên loại chocolate "chính hiệu"... nông dân.
Anh Nghĩa quê gốc Nam Định. Cuối những năm 90, một lần được thưởng thức ly ca cao là món quà của người thân gửi về từ nước ngoài đã khiến người đàn ông này đã ấn tượng mãi. Cũng vì "thương nhớ" và muốn tìm lại hương vị của thứ thức uống đặc biệt ấy, anh Nghĩa quyết định vào Tây Nguyên để lập nghiệp và rồi bén duyên với cây ca cao.
Năm 1995, anh Nghĩa vào xã Tân Thành để trồng cà phê, tạo nguồn thu nhập. Trong thời gian này, anh Nghĩa được mời tham gia một lớp tập huấn về cây ca cao.
Ước mơ về sản xuất ca cao vốn đã nung nấu bao lâu, lúc đó trỗi dậy mạnh mẽ với người nông dân di cư. Anh Nghĩa quyết định trồng xen ca cao trong vườn cà phê, vừa tiết kiệm diện tích, vừa tránh rủi ro khi thử nghiệm với giống cây trồng mới.
Theo anh Nghĩa, ý định ban đầu của anh là trồng xen ca cao để tận dụng quỹ đất trống, tăng thu nhập. Nhưng sau 3 năm chăm sóc, anh thấy ca cao khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Cây cho trái quanh năm, thu hoạch rải rác trong thời gian 8 - 9 tháng.
Từ hiệu quả bước đầu, anh Nghĩa vận động người dân trên địa bàn cùng mở rộng diện tích trồng ca cao. Thay vì trồng xen, anh đã chuyển đổi 2 ha cà phê để trồng thuần toàn bộ ca cao.
Mỗi hecta đất, anh trồng khoảng 1.100 cây ca cao. Sau mấy năm chăm sóc, cây bắt đầu vào thời kỳ cho thu hoạch, với năng suất bình quân từ 2 - 2,5 tấn hạt/ha.
"Trung bình mỗi năm tôi thu mua khoảng 90 tấn ca cao hạt, có năm lên tới gần 150 tấn hạt. Phần lớn hạt được xử lý thô sau đó bán cho các đơn vị sản xuất bột ca cao, dầu thực vật hoặc chocolate, chỉ một ít trong đó là được giữ lại cho gia đình dùng", chủ nhân xưởng chế biến chocolate nhớ lại thời điểm trước khi làm xưởng chế biến sâu.
Nông dân chính hiệu… làm giám đốc
Năm 2016, anh Nghĩa thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Krông Nô do anh làm Giám đốc, nhằm hỗ trợ người trồng ca cao kỹ thuật chăm sóc vườn cây, lo đầu ra sản phẩm.
HTX dần định hình được thương hiệu khi liên tục được huyện Krông Nô cử đi triển lãm hoặc trưng bày, giúp sản phẩm ca cao trên địa bàn có đầu ra ổn định.
Sau một thời gian đứng ra làm đầu mối, anh Nghĩa thấy việc liên kết tiêu thụ ca cao phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp, tập đoàn. Giá ca cao thô so với ca cao thành phẩm cũng chênh lệch "một trời một vực". Từ đó, anh Nghĩa lên ý tưởng chế biến ca cao hạt thành những sản phẩm thương mại.
"HTX ban đầu chỉ sản xuất bột ca cao đơn thuần. Nhưng từ đầu năm 2021, chúng tôi nhập thêm máy móc để chế biến thêm 3 sản phẩm từ ca cao gồm chocolate nguyên chất 100%, chocolate 65% và chocolate sữa 40%. Đây là những thanh chocolate nguyên vị, mang hơi thở của vùng đất Krông Nô", anh Nghĩa tự hào giới thiệu.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô bảo rằng, có trực tiếp làm mới thấy công việc này không hề đơn giản. Bởi một mẻ chocolate thành công phải cộng hưởng rất nhiều yếu tố, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các công đoạn chế biến sâu. Rất may là con đường khó đã được anh Nghĩa và gia đình chinh phục thành công.
"Tôi vốn là nông dân, xuất thân từ gia đình nông dân chính hiệu nên cách tôi làm cũng rất… nông dân. Có lần tôi tự đóng thùng sản phẩm mang ra Hà Nội giới thiệu. Ban đầu, không ai tin tôi làm được chocolate, nhưng khi thưởng thức rồi nghe tôi kể, tận mắt chứng kiến quy trình của HTX, họ đã tin. Giờ tôi đã tìm được cho mình những bạn hàng tin cậy rồi !", anh Vũ Văn Nghĩa kể.
Theo anh Nghĩa, với giá bán bột ca cao vào khoảng 370.000đ/kg và 600.000đ/kg chocolate, giấc mơ nâng tầm giá trị vùng nguyên liệu ca cao của gia đình anh Nghĩa và HTX Nông nghiệp Krông Nô đang dần thành hiện thực.
Vùng trồng ca cao gần 120 ha do anh liên kết, tổ chức, hiện đang hỗ trợ hàng chục nông dân vùng đất Tân Thành sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn, có lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Với việc chế biến sâu nông sản, mô hình cũng tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân trồng ca cao.
"Năm 2021, cả 2 sản phẩm bột ca cao và chocolate của HTX Nông nghiệp Krông Nô được công nhận đạt OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương - PV) hạng 3 sao. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn", anh Nghĩa chia sẻ thêm về kế hoạch của mình.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô đánh giá, mô hình sản xuất và chế biến sâu ca cao tại HTX Nông nghiệp Krông Nô bước đầu đã mang lại hiệu quả. Chính việc thay đổi cách làm và tư duy sản xuất đã giúp người nông dân chủ động trong canh tác cũng như thu hoạch, đồng thời nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.