Thúc đẩy chuyển đổi số tài chính của người nông dân

Lương Đàm
Với những định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng luôn quan tâm và đồng hành với các cơ quan, ban, ngành triển khai nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực nông thôn.

Đồng thời chú trọng triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một trong các chính sách quan trọng đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh để thực hiện thao tác chuyển khoản liên ngân hàng cho con gái đang sống ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), bác Tống Sỹ Dương, ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình tươi cười cho biết: “Trước đây, mỗi khi chuyển tiền cho con gái, tôi phải đến phòng giao dịch của ngân hàng ở đường Lý Bôn, TP Thái Bình, cách nhà 15 phút di chuyển bằng xe máy. Nhờ được giao dịch viên của ngân hàng hướng dẫn cách cài đặt ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại thông minh, nên giờ đây tôi có thể ngồi ở nhà để chuyển khoản cho con gái mà không phải trực tiếp đến quầy giao dịch. Ngoài ra, tôi cũng có thể thông qua ứng dụng này để thanh toán tiền điện, nước, internet hằng tháng một cách tiện lợi và nhanh chóng”.

chuyendoiso-1640226788.jpg
Giao dịch viên của Agribank hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt và được mở rộng kết nối đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19. Trong 9 tháng năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile Banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; đặc biệt, thanh toán qua kênh QR code tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử, internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money... đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai, qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình TTKDTM ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng, dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, TTKDTM được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức TTKDTM ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có những giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan. Ông Phạm Tiến Nam nhấn mạnh: “Muốn phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để họ tự đưa ra quyết định phù hợp. Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn”.

Thời gian tới, để thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; sớm trình Chính phủ nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn, nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn. Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19 thì đây là một giải pháp nhiều ưu điểm cần được phổ biến rộng rãi trong nông dân.