Thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Lương Đàm
Thực tiễn cho thấy, kể từ sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã tiến hành nhiều biện pháp để tạo dựng và phát huy sức mạnh của toàn dân đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.
1383638527920-crop1383638543316p-1711464116.jpg
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập ngày ngày 22/12/1944, sau này được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Internet

Trong quá trình này, việc xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện luôn gắn chặt với phát triển mọi mặt đời sống xã hội, từ đó tạo nên tiềm lực, thực lực, thế trận và lực lượng quốc phòng toàn dân vững mạnh, đủ sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây chính là những khía cạnh cốt lõi thuộc phạm trù xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bởi vì xây dựng nền quốc phòng toàn dân là quá trình tạo nên tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng và lực lượng quốc phòng đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống, điều kiện, hoàn cảnh.

Thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân sống động ấy là tiền đề, cơ sở để Đảng ta khái quát, phát triển lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Và đến lượt nó, mỗi bước tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng lại thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân phát triển vững chắc hơn trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Sự phát triển lý luận của Đảng ta về xây dựng nền quốc phòng toàn dân được thể hiện rõ khi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI ra Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 30 tháng 7 năm 1987 về nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới, trong đó xác định một cách khoa học về cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 56/CT ngày 11 tháng 3 năm 1989 về xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Cũng từ năm 1989, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 22 tháng 12 (Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân hằng năm. Tiếp đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã nhấn mạnh việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân một cách toàn diện.

Như vậy, lý luận của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở Việt Nam đã có bước phát triển mới rõ nét. Đó là, cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, phát triển mọi mặt đời sống xã hội đáp ứng yêu cầu tạo sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là việc triển khai xây dựng các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, cùng cơ chế lãnh đạo mang tính khoa học của Đảng đối với lĩnh vực quốc phòng.

ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-2-1711464431.jpg
Bộ đội Việt Nam ngày nay. Ảnh: ArmyGames

Tiếp theo, các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X, XI đã không ngừng phát triển lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở Việt Nam, nổi bật là các vấn đề: Chỉ đạo thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội trong quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và trên từng địa phương; Xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân gắn với xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng Công an nhân dân; Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân... Đại hội XII của Đảng cũng đã tiếp tục khẳng định: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”.

Những phát triển về lý luận xây dựng nền quốc phòng toàn dân đó được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước ta. Trong quá trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã thực hiện Tổng kết 15 năm xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, được tiến hành từ cơ sở địa phương đến Trung ương (năm 2004, đầu năm 2005), qua đó rút ra những kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho phát triển lý luận về xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung.

Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Năm 2005, Chủ tịch nước công bố Luật Quốc phòng và hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2006. Theo đó, năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 về khu vực phòng thủ. Năm 2008, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22 tháng 9 năm 2008 về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.

d975d352a3946dff3e435c75b58b4538-l-1711464589.jpg
Luật Quốc phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2006. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Tiếp đó, Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009 chỉ rõ: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh bao gồm xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng và cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng. Từ đó đến nay, chúng ta không ngừng cụ thể hóa những nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân Việt Nam cho phù hợp diễn biến tình hình, tạo sức mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến