Tại cuộc họp báo về tình hình việc làm quý IV và năm 2021 diễn ra sáng 6/1, Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường lao động đã từng bước phục hồi cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam, cho biết, trong quý IV/2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,7 triệu người, tăng khoảng 1,7 triệu người so quý trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 67,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm.
Sau khi phủ rộng vaccine mũi 2 và các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, nền kinh tế đã có tín hiệu phục hồi. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2021 đã tăng 0,6 điểm phần trăm so quý trước; số lao động có việc làm phi chính thức là 19,4 triệu người, tăng 1,3 triệu người; số người thiếu việc làm trong độ tuổi đã giảm 381,1 nghìn người so quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi cũng giảm.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV/2021 là 5,3 triệu đồng, tăng 139 nghìn đồng so quý trước, nhưng giảm mạnh 624 nghìn đồng so cùng kỳ; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,6 triệu người, giảm 113,1 nghìn người so quý trước.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, tình hình lao động, việc làm vẫn gặp nhiều khó khăn hơn so năm 2020 với bức tranh tổng thể là lực lượng lao động và số người có việc làm giảm trong khi tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm trước.
Tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2021 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Tính chung cả năm 2021, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so năm trước, đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021.
Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị. Tính chung cả năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so năm trước.
Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng, chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.
Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng đang từng bước phục hồi, nhưng chưa bền vững và vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có đại dịch. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao. Thu nhập của người lao động vẫn thấp hơn so cùng kỳ. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ và các cấp, các ngành nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, và hướng dẫn, vận động người dân thực hiện 5K và các biện pháp khác để thích ứng an toàn trong đại dịch Covid-19, cần triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập, nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Năm 2021, cả nước có 2,2 triệu người di cư từ các trung tâm kinh tế về quê tránh dịch, tác động tiêu cực cho thị trường lao động và đến cuối năm, nhiều người trong số này vẫn chưa trở lại làm việc khi các thành phố lớn mở cửa trở lại. Vấn đề khôi phục thị trường lao động cần đặt trong tổng thể chương trình phục hồi kinh tế.