Thế trận quốc phòng toàn dân là gì? (Phần 2 và hết)

Thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay là sự tiếp nối tất yếu thế trận lòng dân trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đồng thời có sự phát triển vượt bậc do đòi hỏi của bối cảnh đương đại.
040919ha53-1720968794.jpg
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lai Châu cùng nhân dân làm đường liên thôn tại xã Trung Chải (Nậm Nhùn, Lai Châu). Ảnh: Báo Quân đội Nhân Dân

Không chỉ tích hợp những giá trị cơ bản của thế trận lòng dân trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc vốn đã có bước nhảy vọt về chất so với chiến tranh toàn dân trong lịch sử dân tộc, mà thế trận lòng dân hiện nay còn được tham chiếu những yếu tố rất mới.

Nếu như trong thời đại phong kiến, điểm tựa hình thành thế trận lòng dân của chiến tranh toàn dân luôn là lợi ích của giai cấp phong kiến rồi mới tìm đến sức mạnh của dân, thì đến thời đại mới, chiến tranh nhân dân luôn lấy điểm tựa là lợi ích của nhân dân, từ nhu cầu, nguyện vọng và ý chí của nhân dân tất yếu tìm đến người lãnh đạo chân chính là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thế trận quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ là khu vực được tổ chức về quốc phòng, an ninh theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nằm trong hệ thống phòng thủ chung của cả nước để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó không phải là một hình thức tổ chức hành chính nhà nước hoặc lực lượng vũ trang mà là một không gian địa lý, trong đó nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ an ninh, lực lượng quốc phòng và lực lượng an ninh, hoạt động quốc phòng và hoạt động an ninh... của các địa phương được kết hợp chặt chẽ, hòa quyện, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau từ cơ sở đến huyện, tỉnh.

Với tính cách một bộ phận hợp thành nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ thực chất là tổng thể thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên từng tỉnh, huyện cho phép tạo nên sức mạnh tổng hợp về quốc phòng, an ninh từ thời bình, đồng thời sẵn sàng động viên sức mạnh đó nhằm giải quyết các tình huống xung đột vũ trang hoặc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời bình, khu vực phòng thủ là nơi trực tiếp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương, hợp thành thế trận quốc phòng toàn dân cả nước. Đó là thế trận trực tiếp phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, vai trò tự bảo vệ của địa phương làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đó cũng là tiền đề để huy động nhanh nhất sức người, sức của tại chỗ, kịp thời nhất đối phó với diễn biến tình hình phức tạp trên địa bàn, đồng thời tạo môi trường hòa bình thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

crop-91735351pm-1200-91735351pm7635309pm28284211am4-1-1720968795.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp với dân quân và thanh niên địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Tiêu Dao

Khi chiến tranh xảy ra, khu vực phòng thủ là nơi tổ chức, chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương, chủ động phát hiện và làm ngăn ngừa thủ đoạn tạo cớ phát động chiến tranh của địch. Đặc biệt, khu vực phòng thủ tạo thế có lợi nhất để căng kéo, buộc địch phải phân tán đối phó, đẩy địch vào thế sa lầy, bị động, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, kết hợp trong ngoài cùng đánh của địch.

Đó cũng là chiến trường trực tiếp ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, làm chậm tốc độ tiến công của địch, tạo thế xen kẽ chia cắt địch và tạo thời cơ tác chiến cho bộ đội chủ lực. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc từ thời bình góp phần quyết định trong củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy tính tự lực trong tác chiến, thực hiện xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh, vừa chiến đấu vừa sản xuất.

Thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành gồm các thành phần: cụm làng, xã, phường, thị trấn, đơn vị kinh tế; khu vực phòng thủ cấp huyện; khu vực phòng thủ then chốt cấp tỉnh, cấp huyện; căn cứ chiến đấu cấp tỉnh, cấp huyện; căn cứ hậu phương cấp tỉnh, cấp huyện; căn cứ hậu cần kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện; sở chỉ huy các cấp; các mục tiêu trọng yếu; các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; các khu kinh tế - quốc phòng.

Ngoài ra, căn cứ vào quyết tâm tác chiến phòng thủ của quân khu và kế hoạch phòng thủ quốc gia, có thể xác định thêm một số thành phần khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Các thành phần thế trận quân sự của khu vực phòng thủ gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng của địa phương, tạo thành thế liên hoàn vững chắc trong thời bình và thời chiến.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến