Tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc tế "Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và Phát triển bền vững"

Huyền Văn
Dưới đây là bản Tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc tế "Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và Phát triển bền vững" của PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tại Hà Nội sáng 22/11.
nlntv-anh3-1669096291.jpg
 PGS.TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo

Kính thưa ông Axel Blaschke Trưởng đại diện văn phòng FES tại Việt Nam,

Kính thưa bà Juilia Behrens, Giám đốc dự án Khí hậu và năng lượng châu Á

Kính thưa PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đôc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh

Kính thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học!

Để hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng sạch năng lượng tái tạo, thời gian qua Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng, hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiều doanh nghiệp, người dân đang mong muốn được tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, do vậy ngoài yếu tố phát triển kinh tế nó còn giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế của nhiều người dân Việt Nam. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam có thể còn làm giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu than, cùng với giảm sản xuất điện than từ đó giúp bảo vệ môi trường tạo điều kiện phát triển bền vững.
Trong vài thập nên trở lại đây, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và các Quyết định của Thủ tướng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tại Hội nghị COP26 năm 2021 diễn ra tại Vương quốc Anh,Việt Nam đã khẳng định và cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

Những chủ trương, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được xác định từ sớm: phát triển thủy điện từ những năm 2000, phát triển điện gió từ sau 2010, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương trình hành động của Chính phủ đã huy động được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển năng lượng tái tạo và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hướng tới mục tiêu đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, đưa Việt Nam trở thành một trong số các nước đứng đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo.

Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Từ các cam kết tại COP26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia tăng trưởng xanh. Một loạt các chương trình, đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đang được chỉ đạo thực hiện và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Cùng với những cơ hội do Đức, EU và Mỹ cam kết hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và máy móc chúng ta hy vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra theo đúng cam kết

Chủ đề hội thảo: Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững sẽ quan tâm thảo luận 4 nội dung chính

Thứ nhất, công bằng khí hậu. Trái đất có sự thay đổi về hệ thống khí hậu gồm khí quyển, sinh quyển, thạch quyển, băng quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biển đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Sự biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn địa cầu. Như vậy, ở trọng tâm đầu tiên là chính phủ chú trọng vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Những chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cần được truyền thông rộng rãi và được người dân tiếp nhận và thực hiện một cách chủ động.

Thứ hai, chính sách kinh tế xanh mới với mục tiêu loại bỏ năng lượng than đá hoàn toàn vào năm 2040 và sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp, Công đoàn vào quá trình thảo luận đưa ra các quyết sách, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo nhằm hiện thực hoá mục tiêu sống xanh vào năm 2040. Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng bền vững, Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các bên liên quan nhằm bảo đảm chất lượng đời sống của công nhân ngành than điện cũng như bảo đảm an sinh xã hội để người dân và người lao động các khu vực mỏ than không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Như vậy, việc chuyển đổi năng lượng sẽ nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân và các bên liên quan nhất là các doanh nghiệp sản xuất và vận hành năng lượng tái tạo.

Thứ ba, chuyển đổi công bằng hướng tới phát triển bền vững. Khái niệm về chuyển dịch công bằng được sử dụng rộng rãi trong các hội nghị về chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu và nguyên tắc của chuyển dịch công bằng là đối thoại với người lao động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, bên cạnh đó còn có sự đào tạo lại cho người lao động để thích ứng với nền lao động mới không còn khai thác năng lượng hoá thạch. Về lâu dài để đạt được các cam kết chính phủ cần đầu tư kinh phí giúp cho những vùng bị ảnh hưởng khi dừng khai thác nhiên liệu hoá thạch, tái tạo lại việc làm mới và đào tạo lại nguồn lao động, giúp người dân có việc làm và ổn định cuộc sống.

Thứ 4. Chỉ ra thực trạng về những thuận lợi và khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay dề từ đó có thể đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững và đạt được các cam kết của chính phủ trong tương lai.

Bốn nội dung trên cũng là mục tiêu của hội thảo hôm nay.

Kính thưa các quý vị đại biểu và các nhà khoa học!

Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững các nhà khoa học sẽ đem đến đây chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng của các nước trên thế giới, những bước đi của Việt Nam trong tiến trình hiện thực hoá cam kết phát thải bằng không vào năm 2050, sự phối hợp của các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi này; những kinh nghiệm của các quốc gia, nhất là các nước phát triển trong chuyển năng lượng; những thuận lợi khó khăn của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng hiện nay … để từ hội thảo này và nhiều hội thảo của các bộ, ngành khác nữa sẽ đưa ra được các giải pháp khả thi giúp Việt Nam phát triển năng lượng xanh, xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững.

Trong hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ được lắng nghe phần trình bày của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Bộ Ban, Ngành Trung ương và địa phương. Các bài trình bày sẽ cung cấp thông tin, xây dựng bối cảnh để chúng ta có sự trao đổi sâu sắc hơn về chủ đề hội thảo. Sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ đem lại cho chúng ta cái nhìn rộng mở, đa chiều về chủ đề năng lượng tái tạo và xây dựng nền kinh tế xanh bền vững.

Nhân cơ hội này, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Viện FES Cộng hoà Liên bang Đức vì sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong suốt hơn 20 năm qua. Trong năm 2021, 2022, dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục về lối sống xanh, về xây dựng đô thị bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, về chuyển đổi năng lượng và chuyển dịch công bằng. Các hoạt động này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về việc cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững hướng tới phát triển xã hội hài hoà.

Nhân dịp này, tôi cũng xin kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn.

 PGS.TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền