Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam - Hướng tới công bằng và phát triển bền vững

Huyền Văn
Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững. Đây là một chủ trương lớn đang được Chính phủ hiện thực hóa hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đạt mục tiêu nền kinh tế carbon thấp, thập kỷ xanh.

Sáng nay 22/11, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế "Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững".

Tham dự sự kiện có nhiều tổ chức quốc tế về khí hậu và năng lượng: ông Axel Blaschke Trưởng đại diện văn phòng FES tại Việt Nam, bà Juilia Behrens, Giám đốc dự án Khí hậu và năng lượng châu Á, cùng với nhiều nhà khoa học đến từ Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Sở Công thương Quảng Nam, các trường Đại học, Viện, Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Hội thảo khoa học “Chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát tiển bền vững” là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia bàn thảo một cách sâu sắc và cụ thể hơn về tầm quan trọng của việc chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển xanh bền vững của Việt Nam. Những bài học của các quốc gia phát triển về chủ đề này, đặc biệt là kinh nghiệm của Đức một trong những quốc gia đã có những chuyển đổi thành công để hướng tới 2040 đạt phát thải bằng 0. Đặc biệt, hội thảo cũng mời đến đây đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo để đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam hiện nay"

"Từ đó, với thế mạnh của Học viện Báo chí và tuyền truyền, thế mạnh của các nhà khoa học tham gia hội thảo chúng ta nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chủ đề hội thảo, đưa các nội dung hội thảo vào hoạt động thực tiễn nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới công bằng và phát triển bền vững". PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

nlntv-anh2-1669096272.jpg
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo 

Để có thể thực hiện được những mục tiêu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam cần sự hợp tác và hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức quốc tế đặc biệt là những nước phát triển đã và đang thành công trong quá trình chuyển đổi này.

Tại hội thảo Bà Julia Behrens, Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng Lượng châu Á trích lại lời cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Hội Nghị COP27 vừa qua: "Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề cấp thiết. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để giảm sự nóng lên toàn cầu, chúng ta sẽ không thể tồn tại vào cuối thập kỷ này".

nlntv-anh1-1669096379.jpg
Bà Julia Behrens cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo 

Đồng thời, Bà Behrens cam kết: "Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Chuyển đổi năng lượng cần có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả các bên liên quan! Chúng tôi cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng đất nước Việt Nam trong quá trình dịch chuyển này, và hôm nay tôi rất mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học đến từ Việt Nam".

Hội thảo tập trung vào 4 mục tiêu chính bao gồm Công bằng khí hậu; Chính sách kinh tế xanh mới; Chuyển đổi công bằng hướng tới phát triển bền vững và Thực trạng, thuận lợi, khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo đã trình bày những bài tham luận liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng như: tiềm năng điện gió cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam, những thời cơ, thách thức và giải pháp để chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

nlntv-anh3-1669096291.jpg
 PGS.TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Hội thảo

Cùng với đó, các chuyên gia cũng đã đề cập đến vấn đề việc làm trong quá trình chuyển đổi hay giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá (nguyên nhân chính gây nên sự nóng lên toàn cầu), để hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các chuyên gia cũng lưu ý, trên thực tế, để làm được mục tiêu này, Việt Nam cần có một chiến lược quyết sách cụ thể và sự tham gia của các cơ quan bộ, ngành. Song nếu chúng ta không có sự chuẩn bị và thực hiện tốt thì vấn đề cam kết của Việt Nam tại COP26 (trung hòa carbon) có thể nằm trên giấy.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều tranh luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng xanh hiện nay, như phát triển điện tái tạo (điện gió), cần phải có những thỏa mãn vùng nguyên liệu, cũng như hạ tầng đảm bảo kết nối bền vững, phải làm sao để các nhà đầu tư có thể kết nối với lưới điện quốc gia... Cùng với đó là những tư vấn, trao đổi của các chuyên gia ở góc độ Chính sách liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Quyền trưởng khoa XHH&PT - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước. Tôi hi vọng rằng, hội thảo đã mang lại những tri thức khoa học hữu ích cho các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý".

nlntv-anh4-1669096298.jpg
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm 
Huyền Anh(TH)