
Trong quãng đời văn chưa đầy mười năm, Thạch Lam đã cho xuất bản ba tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); một tiểu thuyết: Ngày mới (1939); một tập ký: Hà Nội băm sáu phố phường (1943) và một tập tiểu luận: Theo dòng (1941). Đó là một sự nghiệp khiêm tốn so với các thành viên khác của Tự lực văn đoàn hoặc so chung với nhiều người.
Mất ở tuổi 32, trong cảnh nghèo và bệnh tật. Nghèo, nếu ở Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài là dễ hiểu thì với Thạch Lam có lẽ phải diễn giải thêm. Ăn lương của Tự lực văn đoàn (hình như tháng 30 đồng), nhưng không phải là chăm viết, có lần ông chủ Tự lực văn đoàn là Nhất Linh giục bài không có, định “cúp” lương. Cái nghề văn chương tự do kiểu Thạch Lam, tuy không quá khốn quẫn như nhiều người viết cùng thời nhưng chắc hẳn là không dư dật. Theo hồi ký của bà Nguyễn Thị Thế, bà chị sát trên Thạch Lam, còn có tên chị Năm thì trong gia đình, “chỉ mình chú Sáu là đói và nghèo nhất. Nhà tranh vách đất, thậm chí đến cái mền cũng không có tiền mua. Một hôm sang sớm kêu chú có việc, thấy nằm đắp cái chăn dạ mỏng, vì lạnh quá đắp thêm cả cái khăn trải bàn và áo mưa nữa. Nhà ở ven hồ Tây, mùa đông lạnh giá làm sao chịu nổi.
Tôi hỏi thím Sáu cái mền bông đã đặt tiền cùng với chị đâu không mang ra đắp. Thím nói cái mền có ba đồng, đặt trước một đồng rồi, còn lại hai đồng thôi mà em vay không được nên đành bỏ mất, có lấy được đâu”.
Lại mang bệnh nan y. Và do bệnh nên phải tìm đến ả phù dung - y như Vũ Trọng Phụng. Cái kinh lịch hút xách này, Thạch Lam có dự định trang trải trong một bút ký có tên: Thập niên đăng hỏa. Do hút xách nên mang tiếng là trụy lạc, nhưng thật ra Thạch Lam không phải là người chơi bời.
Nhà ven hồ Tây, có gốc liễu tự mình trồng. Ưa cảnh sống đạm bạc. Có ba con. Đứa con trai út vừa sinh xong thì Thạch Lam mất trong một nỗi thất vọng vì tử vi cho rằng nếu là con trai thì bố không sống được.
Những ngày cuối cùng sống trong bần hàn. Đại gia đình ly tán. Nhất Linh chạy sang Tàu. Hoàng Đạo và Khái Hưng bị bắt an trí ở Vụ Bản. Thế Lữ và Tú Mỡ trốn lánh. Tự lực văn đoàn tan rã.
Thạch Lam được dư luận khen ngợi ngay từ tập truyện đầu tay Gió đầu mùa - mà tôi tin rằng ý kiến đánh giá không chỉ vì lý do thời thượng (đây là lúc vấn đề bình dân và vai trò người bình dân đang được quan tâm).

Trong Nhà mẹ Lê (mẹ Lê, chứ không phải là mụ Lê, hoặc chữ gì tương tự), một gia đình gồm một bà mẹ còm cõi và mười một đứa con, đông đến nỗi hàng xóm thường phải nhắc mẹ đếm lại con, nếu không lại quên, sống trong một túp lều nát của phố chợ và miếng ăn hàng ngày là dựa vào việc làm thuê, móc cua bắt ốc, bòn một hạt lúa, củ khoai, củ ráy... Vậy sao mà sống nổi. Cái chết của người mẹ vì quẫn bách trong ngày giáp hạt, phải đi vay gạo (vay thì lấy đâu mà giả?) bị nhà giàu xua chó cắn, chung kết câu chuyện, mở ra cái chết ngầm của cả đàn con, cả mười một đứa con, chắc chắn thế. Và cái chết ngầm và chết thật ấy có thể đến chậm hơn, dai dẳng hơn, nếu như niềm ước muốn: “Giá như có người mướn làm thì không đến nỗi” của Thạch Lam, là thực hiện được, nói lên một cách thật chua chát thực trạng bất công vô lý: Người lao động muốn làm việc mà đâu có việc làm.
Hai lần chết kể cảnh đời và số phận một cô gái lớn lên trong sự ghẻ lạnh của gia đình, chịu một cuộc nhân duyên do cha mẹ áp đặt; lần chết thứ nhất do cô quyết định quyên sinh lại được cứu sống; để đến lần sống lại, cắp khăn áo về nhà chồng thì mới là lần chết thật. Cái chết trong cõi sống, hoặc sống trong cõi chết này, ở cách viết Thạch Lam, vẫn nhẹ nhàng, tinh tế vậy, mà gây bao ám ảnh. Nó đánh vào cân não chúng ta bằng cái xám nhờ, rồi đen sẫm đi trong cảnh đời người lao động của xã hội cũ.
Ngòi bút Thạch Lam tinh tế và trân trọng biết bao trước số phận người phụ nữ và trẻ em, nếu không thuộc lớp dưới đáy thì cũng là người ở cảnh bần hàn, hoặc đang rơi vào cảnh bần hàn. Cô hàng xén là sự khắc họa chân dung người phụ nữ, một chân dung có sức sống điển hình, vì soi vào đấy, ta thấy số phận cả một lớp người, suốt một đời nhẫn nại, hy sinh, hết lo cho cha mẹ, anh em, đến lo cho chồng con; một đời hiu hiu, lặng lặng, với gánh hàng xén trên vai, với trăm thứ hàng lặt vặt qua lại trên ngón tay, vừa quý báu lại vừa ít ỏi và ngày nọ dệt vào ngày kia như tấm vải thô. Cái chân dung điển hình này có lẽ xuất hiện vào đầu thế kỷ, khi sinh hoạt thương mại, chợ búa đã nhập vào đời sống chúng ta và chấm dứt chưa lâu sau Cách mạng. Nó lưu lại cho ta một nét sống dân tộc, kế tục cái hình ảnh người phụ nữ như thân cò lặn lội trong ca dao, tục ngữ. Nói trong văn Thạch Lam có cách cảm nghĩ dân tộc tinh tế đằm thắm cũng là do thế.
Trên cái văn mạch này, Hai đứa trẻ là một truyện không có chuyện, nhưng lại có sức gợi thật sâu xa. Hai đứa trẻ, hai chị em có trách nhiệm trông nom một chõng hàng; việc bán buôn chắc lời lãi chẳng là bao, nhưng cũng là một khoản thu phụ thêm cho gia đình nghèo. Một chõng hàng nơi phố huyện có gì mà thành truyện. Nhưng hoạt động của cái chõng hàng đó của hai chị em, đã thành một thói quen, theo lời dặn của mẹ, phải chờ cho đến khi chuyến tàu đêm cuối cùng từ Hà Nội về, xình xịch chạy qua, cho đến khi tiếng ầm ầm của bánh xe ngớt hẳn, rồi mới dọn hàng, tắt đèn đi ngủ, lại gợi một nỗi niềm gì thật xao xác, bâng khuâng. Cái tiếng động đêm khuya ấy lại vang vào truyện một vẻ quạnh hiu, xa vắng vô cùng. Chuyến tàu đầy ánh sáng, đi qua một ga xép, tuy có lưa thưa những ánh đèn dầu, nhưng khuất đầy bóng tối; chuyến tàu đến từ Hà Nội hoa lệ, với những khách sang và hai chị em con nhà nghèo nhìn lên các ô cửa mà thấy con tàu mang theo đi cùng tiếng động, cả một nỗi niềm gì vừa bâng khuâng, vừa sâu thẳm. Hai đứa trẻ, một truyện không có chuyện, mà ngập đầy không khí và tâm trạng. Không khí một cảnh quê, nơi có một ga xép, nhờ một chuyến tàu đúng giờ ấy, khắc ấy chạy qua mà mang được chút dư âm, dư vị tỉnh thành... Và từ dư âm, dư vị đó mà đưa con người vào một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, trước một cái gì vừa thuộc về quá vãng, vừa hướng tới tương lai.