Tầm nhìn của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp văn hóa cách mạng

Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh đã viết trong suốt cuộc đời mình, từ Đông Dương thức tỉnh, đến Di chúc thiêng liêng. Tác giả đã viết, trên rất nhiều thể loại, nhưng chưa bao giờ lấy viết làm một sự nghiệp.
ho-chu-tich-trong-phong-lam-viec-cua-nguoi-o-can-cu-viet-bac-1725676985.jpg
Hồ Chủ tịch trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh: TTXVN

Dễ hiểu, Hồ Chí Minh không nhận bất cứ sự tôn vinh nào đối với mình trong tư cách chuyên gia hoặc nghệ sĩ. Trong khi trả lời các bạn bè nước ngoài, Hồ Chí Minh đã khéo léo hoặc cương quyết từ chối tất cả mọi danh hiệu. Nhưng những gì có giá trị vẫn cứ tự nhiên tồn tại. Tôi sẽ không nhắc lại ở đây những ý kiến đánh giá Nhật ký trong tù - một sản phẩm như là ngẫu nhiên Hồ Chí Minh đã hái lượm được trên lộ trình gian nan mà vĩ đại của đời mình.

Ở tất cả những gì Hồ Chí Minh viết, ngay cả trong dạng ngắn gọn và ngẫu nhiên, vẫn thấy toát lên một phong cách riêng - vừa là sự lịch lãm, am hiểu, vừa là sự giản dị, dễ hiểu. Thông thường khó có thể dung hòa hai vế thật ra là tương phản nhau đến vậy. Nhưng điều kỳ diệu, nó lại chính là nét riêng làm thành đặc trưng của văn chương Hồ Chí Minh, không bắt chước ai và cũng khó ai bắt chước được. 

Lý giải điều này khỏi phải đi tìm sự độc đáo, khác thường. Hồ Chí Minh khác với mọi người, nhưng không xa, hoặc đứng trên mọi người. Ông không bao giờ đi săn tìm cái lạ. Mà vì một lẽ đơn giản: Hồ Chí Minh là người quan tâm hàng đầu đến chuyện Viết cho ai? Thế kỷ XX đối với Việt Nam là thế kỷ cách mạng hóa một dân tộc, đưa dân tộc ra khỏi số phận nô lệ, cũng đồng thời là thế kỷ khoa học hóa, để đưa trình độ nhân dân thoát ra khỏi một khởi điểm quá thấp, trên chín mươi phần trăm số dân mù chữ.

Người đã viết và sử dụng sành sỏi tiếng Pháp, tiếng Hán cũng chính là người quan tâm hơn ai hết đến khả năng của tiếng Việt, sao cho tiếng Việt đến được với mọi tầng lớp đồng bào. Khi chưa có một cuộc cách mạng đem lại quyền sống, cơm áo và tự do cho đồng bào thì việc làm báo (từ Le Paria, Việt Nam hồn đến Việt Nam độc lập) là nhằm đưa lại một ánh sáng văn hóa để soi cho họ con đường đi vào cách mạng chính trị. Người biết viết cho một công chúng chọn lọc bằng cách huy động tất cả cái vốn kiến thức của nhiều chục năm tích lũy từ nhiều nền văn hóa, cũng chính là người biết viết cho một công chúng còn đang thanh toán nạn mù chữ.

Đặt nhiệm vụ chống giặc đốt bên cạnh giặc đói và ngoại xâm, một tuần lễ sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Hơn một năm sau cuộc vận động Bình dân học vụ, hai triệu người Việt Nam thoát nạn mù chữ. Trong cách thức đưa nội dung chính trị vào văn chương, trong yêu cầu tuyên truyền trực tiếp các nhiệm vụ cách mạng, trong cách chọn câu chữ, thể loại, văn phong sao cho linh hoạt, sát hợp với các loại công chúng khác nhau, ta nhận ra ở văn chương Hồ Chí Minh một cách giải quyết có hiệu quả và tối ưu những tình thế so le đặt ra khá căng thẳng, ít ra là trong nửa đầu thế kỷ XX của văn chương Việt Nam hiện đại. 

100618ha26-1725676877.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở Khu Lương Yên, Hà Nội năm 1956). Ảnh: Internet

Trong Sửa đổi lối làm việc, trong Cách viết, trong những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh với các giới văn hóa, khoa học, nghệ thuật, trên một định hướng lớn “Kháng chiến hóa văn hóa và Văn hóa hóa kháng chiến” được đề ra ngay sau Cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp công lớn vào việc xây dựng những nền tảng cơ bản cho quá trình khoa học hóa, văn hóa hóa nền dân trí Việt Nam.

Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, là danh nhân lịch sử, đó là điều hiển nhiên. Nhưng đồng thời, Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa, không phải chỉ ở cái khối lượng rộng lớn các kiến thức mà ông đã huy động để làm một nhà văn hóa phương Đông hoặc phương Tây, hoặc Đông - Tây kết hợp; mà là nhằm vào một sự nghiệp cao cả, với sự nghiệp đó, cả một dân tộc và cả một nền văn hóa dân tộc được phục hưng. Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa ở chỗ đã lĩnh sứ mệnh là người đầu tiên có quyết tâm và đủ sức đưa lên trên đôi vai mình một nhân dân được trang bị cơ bản để đón nhận dần dần, từng bước các tầng cao của văn hóa. 

GS. Phong Lê