Quy hoạch, phát triển nơi thờ tự do địa phương quản lý thành điểm du lịch tâm linh

Nước ta có khoảng 14.000 ngôi đền, chùa. Những nơi thờ tự ấy cũng là điểm du lịch tâm linh đang được các địa phương quản lý, quy hoạch, phát triển một cách hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, rất nhiều ngôi đền cổ đã được tu sửa lại dựa trên cấu trúc tự nhiên nhằm gìn giữ giá trị tâm linh vốn có và phát triển cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
nlntv-anh-cung-tho-den-tho-chau-luc-cung-nuong-1670467978.jpg
Cung thờ Đền thờ Chầu Lục Cung Nương.

Đền Chầu Lục Cung Nương, ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là một ngôi đền cổ với không gian xanh rộng lớn. Xung quanh đền là núi non trùng điệp. Trước cổng đền có hàng cổ thụ tán rộng sum suê,...  Trong đó, cây thị, cây đa trước cổng tam quan là hai cổ thụ mà ông Triệu Văn Lan, Trưởng Ban quản lý đền Chầu Lục cắt tỉa thường xuyên: " Tôi cũng không nắm được cây thi đã trải qua bao nhiêu đời, chắc cũng lâu lắm rồi. Các cụ kể là từ khi sinh ra, cây thị đã lớn rồi, chắc cũng phải trăm năm. Còn cây đa thì cũng hàng chục năm. Mỗi năm, chúng tôi cứ tu sửa đền một ít để cảnh quan thêm đẹp" - ông Lan chia sẻ. 

Hiện nay, chưa rõ Đền Chầu Lục Cung Nương có từ năm nào. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng, đền có từ thời Lê Trung Hưng. Hồi đó, ngôi đền còn nhỏ, chỉ như một ngôi miếu trên lưng đồi. Trong khoảng năm 1990 - 1994 đền dược xây dựng lại. Đến năm 2009, chính quyền địa phương và Ban Quản lý đã tu sửa lại toàn bộ. Kết cấu tu sửa dựa trên bản vẽ đã được chính quyền thống nhất theo tiêu chí bảo vệ môi trường. Qua bao năm tu sửa, không gian thờ tự đã rộng hàng nghìn m2 với cảnh quan sạch, đẹp. Phía sau đền có đồi, núi đã được phủ xanh bằng cây keo. Đền thiêng, cảnh đẹp nên chị Nguyễn Thị Thu, sống ở Hà Nội thường xuyên lên đây lễ Phật, Thánh và hầu đồng. 

nlntv-anh-chi-nguyen-thi-thu-hau-gia-chua-boi-nguyet-ho-tai-den-chau-luc-cung-nuong-1670467973.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu hầu giá Chúa bói Nguyệt Hồ tại Đền Chầu Lục Cung Nương
nlntv-anh-chi-nguyen-thi-thu-hau-gia-chau-luc-tai-den-chau-luc-cung-nuong-1670467968.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu hầu giá Chầu Lục tại đền. 

Sau lễ hầu đồng, chị Thu kể cho chúng tôi nghe quang cảnh đền từ hơn 10 năm trước. Khi đó, đền còn nhỏ, đường đi, lối lại rậm rạp, chỗ cắm hoa chật hẹp,... Còn nay, nhà đền đã xây dựng khu sắp lễ, cắm hoa,... rộng rãi, thoáng mát. Đặc biệt, nơi sắp lễ, cắm hoa được bố trí thùng rác rác to. Cuối ngày, những người chấp tác sẽ mang rác đi xử lý. Khu vệ sinh cách không gian thờ tự khoảng 100m2 với hệ thống xử lý nước thải khép kín, sạch sẽ. Mỗi lần đến đây lễ, chị Thu  lại cảm thấy đền khang trang hơn: "Đây là đền cổ, ai quan tâm đến tâm linh thì đều biết. Tôi cảm thấy rất vui vì đền được xây dựng, quy hoạch rất hợp lý. Mặc dù là trên núi nhưng không gian được thiết kế đẹp mắt, đặc biệt là vấn đề vệ sinh"- chị Thu chia sẻ. 

Mấy năm qua, Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng đã được tu bố theo từng giai đoạn. Đền chính được tu bổ, tôn tạo từ năm 2018 đến năm 2020 hoàn thành. Ngôi đền ngày càng khang trang, phục vụ nhu cầu hành hương, chiêm bái của nhân dân và du khách. 

nlntv-anh-khong-gian-xanh-tai-den-dong-cuong-1670467984.jpg
Không gian xanh tại Đền Đông Cuông

Đền Đông Cuông gồm có một ngôi đền chính và 3 khu thờ Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông. Khuôn viên bên ngoài ngôi đền rợp bóng cây xanh, không khí mát mẻ và dễ chịu. Ở khu vực bên ngoài chung quanh đền còn trồng nhiều đào, mận, vào mùa xuân trăm hoa đua nở càng tô điểm cho cảnh sắc thêm phần lãng mạn và nên thơ. Ông Vũ Ngọc Ứng, Thường trực Ban Quản Lý Đền Đông Cuông cho biết: "Đền có diện tích khoảng  30 ha. Thiết kế này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt theo các đề án của Bộ và những kiến trúc thiết kế phải bảo tồn được giá trị vốn có. Sau này đền còn tu sửa, xây dựng và việc này đã nằm trong dự án, chỉ là hiện nay vẫn chưa đủ kinh phí để triển khai. Còn khi đã có kinh phí rồi thì đền sẽ được mở rộng ra theo đề án đã duyệt". 

nlntv-anh-ong-nguyen-ngoc-ung-thuong-truc-ban-quan-ly-den-dong-cuong-1670467991.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Ứng, Thường trực Ban Quản Lý Đền Đông Cuông

Năm 2000, Đền Đông Cuông đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Đến năm 2009, đền tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Là ngôi đền thiêng - Cội nguồn linh thiêng của Tín ngưỡng thờ Mẫu nên Ban Quan lý rất quan tâm việc đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại đền. Anh Nguyễn Văn Luân, từ tỉnh Hưng Yên lên đây lễ chia sẻ: " Hiếm có một điểm di tích nào rộng như vậy. Đặc biệt, nhà đền rất quan tâm việc vệ sinh môi trường nên cảnh quan luôn thoáng mát. Đền vẫn còn được tu bổ tiếp và chắc chắn sẽ đẹp hơn, trở thành điểm du lịch tâm linh lý tưởng. Bản thân mình là thanh đồng nên cảm thấy rất vui khi "bắc ghế hầu Thánh" tại đây".

nlntv-anh-anh-nguyen-van-luan-hau-dong-tai-den-dong-cuong-1670467997.jpg
Anh Nguyễn Văn Luân hầu đồng tại Đền Đông Cuông.
nlntv-anh-anh-nguyen-van-luan-hau-gia-quan-hoang-bay-tai-den-dong-cuong-1670468002.jpg
Anh Nguyễn Văn Luân hầu đồng giá Quan Hoàng Bảy tại Đền Đông Cuông.

Nước ta đã được thiên nhiên ban tặng cho núi, sông hùng vĩ. Xen kỹ sông, núi là những ngôi thờ tự linh thiêng, cổ kính, tạo nên điểm du lịch lý tưởng. Từ những giá trị này, Đền Chầu Lục Cung Nương, Đền Đông Cuông và rất nhiều ngôi thờ tự khác đã tu bổ, sửa chữa, mở rộng không gian gắn với việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Bởi môi trường là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, trong đó có du lịch tâm linh./.

Nguyễn Thị Hà