Quan hệ giữa chiến tranh và chính trị (Phần 1)

Lương Đàm
Xem xét các mối quan hệ của vấn đề chiến tranh và hoà bình thực chất là xem xét các hình thái, động thái khác nhau của cùng một dòng chảy cốt lõi của chính trị.
thumb-660-803a9ff3-28a1-4d61-aa4b-3e7b401a855e-1699887213.jpg
Nền chính trị được xây dựng trên cơ sở chế độ tư hữu là nguồn gốc của chiến tranh. Ảnh: Internet.

Về kết cấu, mọi nền chính trị đều bao gồm ý thức chính trị, tổ chức chính trị, quan hệ chính trị và hoạt động chính trị, nhưng nội dung của mỗi nền chính trị ở mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi thời điểm lịch sử lại không giống nhau, thậm chí đối lập nhau. Có nền chính trị tiến bộ, cách mạng, thúc đẩy các quốc gia, dân tộc và nhân loại tiến lên, có nền chính trị kìm hãm, kéo lùi sự phát triển của quốc gia, dân tộc và nhân loại; và cũng có nền chính trị mà trong đó bộ phận này, mặt này là tiến bộ nhưng bộ phận khác, mặt khác lại lạc hậu, phản động.

Do đó nói đến các mối quan hệ của vấn đề chiến tranh và hòa bình cần tập trung vào: Quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, chiến tranh và cách mạng xã hội; quan hệ giữa hòa bình và chính trị, hoà bình và “diễn biến hoà bình”; cuối cùng mới đến quan hệ chế ước và tương tác giữa chiến tranh và hòa bình, chuyển hoá chiến tranh và hoà bình.

Trong mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, mặc dù chiến tranh là sự kế tục của chính trị, nhưng không phải nền chính trị nào cũng dẫn đến chiến tranh. Chỉ có nền chính trị được xây dựng trên cơ sở chế độ tư hữu mới là nguồn gốc của chiến tranh. Ngược lại, nền chính trị thực sự được xây dựng gắn với cuộc cách mạng giải phóng con người là cơ sở để ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, loại bỏ chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội. Khi chiến tranh là không tránh khỏi, quan hệ giữa chính trị và chiến tranh là quan hệ giữa toàn bộ với bộ phận, giữa chủ thể và công cụ, giữa mục đích và phương tiện, trong đó chính trị là cái toàn bộ, là mục đích, là chủ thể, chiến tranh là cái bộ phận, công cụ, phương tiện để thực hiện mục đích chính trị.

Xét theo chiều tương tác từ chính trị đến chiến tranh, có thể thấy chính trị chuẩn bị mọi mặt để chiến tranh nổ ra và thắng lợi. Chính trị là người thiết kế các phương án chuẩn bị, khơi dậy, quy tụ tất cả các lực lượng vật chất và tinh thần có thể huy động được cả trong nước và quốc tế, cả tiềm lực và thực lực để sẵn sàng phục vụ chiến tranh. Chính trị sắp xếp lại bộ máy, tổ chức lại con người, cơ sở vật chất của các tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội... ở trong nước, dàn xếp các quan hệ, xoa dịu các mâu thuẫn, hình thành khối liên minh với các quốc gia, dân tộc, các tổ chức trên thế giới, tạo ra môi trường thuận lợi nhất để giành thắng lợi trong chiến tranh. Trên cơ sở ấy, trong không ít trường hợp chính trị còn chủ động xây dựng kịch bản, ấn định thời điểm phát động chiến tranh.

screenshot-6-1699887406.png
Đã 58 năm kể từ ngày Mỹ phát động "Chiến tranh cục bộ" tại miền Nam Việt Nam. Ảnh: Pinterest

Những hoạt động mang tính phổ quát trên đây của chính trị chỉ được thực hiện đầy đủ, hoàn chỉnh với các bên tham chiến tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược. Đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu, các lực lượng vùng lên chống áp bức, bóc lột, thì chính trị khó có thể thực hiện các quy trình này đầy đủ, trong thế chủ động.

Nhưng muốn giành thắng lợi trong chiến tranh, nhất là ở một trong những thời điểm khó khăn nhất của chiến tranh - thời điểm mở đầu hoặc kết thúc chiến tranh, các quốc gia, dân tộc, các lực lượng bị áp bức cần phải biết giành chủ động trong thế bị động, phải nắm chắc địch, phải biết trì hoãn, biết đàm phán, biết nhượng bộ có nguyên tắc để có thời gian chuẩn bị lực lượng, biết điều địch “nhảy theo nốt nhạc” của mình ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, buộc chúng phải phát động chiến tranh trong thế bị động. Không làm được điều này, và tệ hại hơn là để bị bất ngờ hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, thì các cuộc chiến tranh của các quốc gia, dân tộc, các lực lượng bị áp bức, bóc lột dù mang tính chính nghĩa sâu sắc cũng rất dễ nhanh chóng thất bại, hoặc gặp những tổn thất rất nặng nề về mọi mặt.

Chính trị không chỉ là người xử lý, giải quyết mọi mâu thuẫn, bất cập, quyết định những vấn đề chiến lược, từ đó tác động đến chiến dịch, chiến thuật nhằm mở rộng, thúc đẩy hay thu hẹp, kìm chế sự lan rộng của chiến tranh, mà còn chủ động nghiên cứu, cân nhắc, sử dụng kết quả của chiến tranh sao cho phù hợp với lợi ích của giai cấp, quốc gia, dân tộc sau khi chiến tranh kết thúc.

Xét theo chiều tương tác từ chiến tranh đến chính trị, có thể thấy chiến tranh mặc dù chỉ là bộ phận, công cụ của chính trị, nhưng nó còn là sự “bồi dưỡng chính trị”, “tập trung” những cố gắng cao nhất của các chủ thể chính trị. Do vậy, chiến tranh tác động rất lớn đến toàn bộ tư tưởng, tổ chức và các mối quan hệ chính trị. Tùy theo tính chất xã hội của chiến tranh và vai trò của giai cấp lãnh đạo, chiến tranh có thể làm thay đổi đường lối chính trị, mức độ tính chất, quy mô của các mâu thuẫn xã hội, buộc các tổ chức chính trị phải hoạt động theo cách thức khác hẳn.

Với tính cách là cuộc đọ sức quyết liệt giữa các bên tham chiến, chiến tranh buộc các chủ thể chính trị phải dốc, vét toàn bộ mọi lực lượng vật chất và tinh thần của mình để giành thắng lợi. Quá trình đó cũng là quá trình các bên tham chiến, mà trước hết là các chủ thể chính trị, dù muốn hay không muốn cũng phải phơi bày hết những mạnh, yếu, những ưu thế và khuyết tật của mình.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến