Phan Thúc Trực với Cẩm Đình thi tuyển tập và Quốc sử di biên (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Thơ văn để thù tạc, thơ văn chỉ viết cho mình hoặc một số đồng liêu tri kỷ với mình, trong những lúc trà dư tửu hậu; thơ văn ghi trên giấy bản cho con cháu lưu lại; hoặc được in trên gỗ, trên đá với số lượng ít ỏi - quả là khó đến tay người đọc - đó là tình hình chung của sự sáng tác và lưu hành văn chương của kẻ Sĩ thời trung đại, kể từ những áng văn đầu tiên vào đầu thế kỷ XI cho đến cuối thế kỷ XIX.
do-lai-thuy-1-1717690787.jpg
Một lớp học chữ Nho vào khoảng năm 1895 ở Việt Nam. Ảnh: Trang tin Tia sáng

Với các nhà Nho thì sáng tác chủ yếu bằng chữ Hán, ít khi là chữ Nôm. Đó là tình hình phổ biến trong giới trí thức Nho học mà Phan Thúc Trực cũng không phải là ngoại lệ với di sản thơ những 375 bài, trong đó chỉ có 6 bài Nôm...

Cố nhiên cả Hán và Nôm việc lưu hành đều rất khó; nhưng với Nôm, dẫu sao khi đã đến được với công chúng thì vẫn có phương thức truyền miệng để chuyển tải trong đám quần chúng không biết chữ. Còn chữ Hán thì đối tượng đọc - hiểu, truyền bá là ít ỏi hơn nhiều.

Cả hai nếu được lưu lại cho con cháu thì chủ yếu chỉ có giá trị những kỷ vật, chứ không phải để đọc hiểu, quảng bá, lưu truyền. Bên cạnh đó việc bảo quản lại rất là khó, do rất nhiều nguyên nhân, khiến cho số lớn phải chịu sự hư hao, mất mát.

Nhận giấy mời dự hội thảo về nhà Nho Phan Thúc Trực, tôi có phần hơi bất ngờ, bởi đây là tác giả lần đầu tiên tôi được biết, dẫu tôi có mối quan tâm đến văn học Việt Nam thế kỷ XIX với mục đích là để hiểu văn học thế kỷ XX, và rộng ra là lịch sử văn học dân tộc.

Đó là lỗi ở sự kém cỏi của tôi - một người không biết chữ Hán, nên khó bể tra cứu; còn nếu tra cứu vào các bộ lịch sử văn học, kể cả những bộ gần đây, và từ điển như Từ điển văn học 2004 thì không có tên Phan Thúc Trực. Điều đó nói lên thực trạng học thuật của ta cho đến nay vẫn còn rất nhiều trống thiếu.

Trở lại với hội thảo về Phan Thúc Trực hôm nay, theo tôi nghĩ, đây chính là cơ hội cho ta thấy lịch sử văn học trung đại cần phải được bổ sung, bồi đắp bởi nhiều gương mặt tác gia như thế; những tác gia tôi tin vẫn còn chưa được phát hiện, hiện vẫn nằm im lìm trong các kho sách của các thư viện, như thư viện Hán Nôm, và các thư viện khác ở nước ngoài.

Việc khai thác và bỏ công sưu tập này thực ra đã được tiến hành từ nửa đầu thế kỷ XX khi yêu cầu hiện đại hóa được đặt ra một cách khẩn trương do tác động của văn học phương Tây; do sự thay thế chữ Hán chữ Nôm bằng Quốc ngữ; do công của mấy thế hệ học giả có cả Hán học và Tây học rất đáng kính nể như Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Ngọc, Bùi Kỷ, Phạm Quỳnh, Dương Quảng Hàm, Lê Thước... để có sự sưu tập, khảo chứng, phiên âm, phiên dịch, ấn hành một bộ phận di sản Hán Nôm và văn hóa dân gian sang Quốc ngữ.

Công việc ấy vẫn được tiếp tục tiến hành sau 1945, với mấy thế hệ chuyên gia trong các Viện nghiên cứu được thành lập từ những năm sáu mươi thế kỷ trước. Nhưng phải nói là do nhiều lý do khách quan và chủ quan nên việc khai thác di sản vẫn còn chậm, thậm chí rất chậm - bằng chứng là một tác giả lớn như Phan Thúc Trực đến bây giờ mới có thể sưu tập, biên soạn đầy đủ để đến được với một bộ phận công chúng hẹp.

anh-1-1717690856.jpg
Giáo sư Phong Lê, tác giả bài viết. Ảnh: Báo Tin tức

Tôi nghĩ là bên cạnh Phan Thúc Trực, lịch sử văn chương - học thuật trung đại vẫn cần được tiếp tục tìm kiếm để bổ sung thêm những tên tuổi khác; qua đó giúp cho hậu thế hình dung được đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn các nền tảng học vấn và đạo lý của dân tộc trong sự trường tồn và tiếp nối của nhiều thế hệ, qua các triều đại. Về giá trị nội dung và nghệ thuật của Cẩm Đình thi tuyển tập và giá trị khoa học của Quốc sử di biên, tôi nghĩ những người làm sách của Viện Hán Nôm đã trình bày rất tốt; là người đọc tôi đã học tập được rất nhiều.

Với các trước tác về văn và sử của Phan Thúc Trực - như được ghi lại ở hai bộ sách, tôi có thêm một cơ hội quý giá để tìm hiểu đời sống tinh thần của dân tộc nói chung, và của các trí thức Nho sĩ nói riêng, trong thế kỷ XIX - một thế kỷ đầy biến động, với những chuyển động dữ dội đưa xã hội Việt Nam vào thời cận đại. Và về thơ, tôi tin là nhiều học giả trong hội thảo sẽ rất thú vị và tâm đắc với không ít bài của Phan Thúc Trực về làng quê và đất nước; về gia đình và người thân; về thiên nhiên và con người, có thể sánh với những bài, những câu hay trong kho tàng thơ văn cổ điển của dân tộc.

Tên tuổi, hành trạng, sự nghiệp thơ văn của Phan Thúc Trực quả là những biểu hiện, những minh chứng thật tin cậy để biết về một thời mà tôi muốn gọi là thời “khó sống” - “khó sống” nhưng vẫn là thời tạo nên các gương mặt lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ; “khó sống” nhưng vẫn là thời mà những nền móng tri thức và đạo lý vẫn được duy trì và bồi đắp, với những gương mặt như Phan Thúc Trực - một văn nhân, một sử gia, một danh nhân xứ Nghệ, người cùng thời với những tên tuổi lớn, những đỉnh cao, số lớn cũng là người xứ Nghệ, như đã nói trên. Thời đại thì “khó sống”, nhưng tiềm năng tinh thần của dân tộc thì lúc nào cũng cường tráng.

Cho đến lúc này, tôi vẫn có riêng cảm nhận: di sản văn chương, và rộng ra là di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc vẫn còn dồi dào và giàu có hơn ta tưởng.

GS Phong Lê