Phan Thúc Trực với Cẩm Đình thi tuyển tập và Quốc sử di biên (Phần 1)

Lương Đàm
Phan Thúc Trực là tên tuổi vững vàng ở hai lĩnh vực văn chương và học thuật. Trong tư cách nhà thơ, với Cẩm Đình thi tuyển tập và là nhà viết sử trong Quốc sử di biên. Hai bộ sách giúp ta hình dung gương mặt và đóng góp của kẻ Sĩ, của giới trí thức Nho học trong suốt một hành trình dài dưới chế độ phong kiến và xã hội nông nghiệp Việt Nam.
thamhoaphanthuctrucva-1717690175.jpg
Thám hoa Phan Thúc Trực (1808 - 1852). Ảnh: Trung tâm KHXH & NV Nghệ An

Nửa đầu thế kỷ XIX là sự bắt đầu vương triều Nguyễn với cuộc lên ngôi của Gia Long Công Trứ và Cao Bá Quát. Bởi, ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên của Gia Long là tận diệt Tây Sơn - “vì 9 đời mà trả thù” bằng tất cả các thủ đoạn tàn bạo trung cổ. Diệt cho không còn rễ, diệt tất cả đám quần thần, bề tôi, bất kể là phụ nữ hoặc trẻ con.

Và thường trực trong lo lắng nhằm tập trung mọi quyền lực để giữ ngôi. Là việc lập bộ luật Gia Long để củng cố chính quyền, ngăn chặn mọi hiểm họa đến từ nhiều phía. Là thần phục nhà Thanh để có một mô hình chuyên chính, nhằm bảo vệ ngai vàng cho dòng họ và cho mỗi ngôi vị.

Chống nông dân khởi nghĩa hàng trăm cuộc. Thời Gia Long là 50 cuộc, Minh Mệnh là 200 cuộc, Thiệu Trị là 50 cuộc. Thời Tự Đức, đó là giặc Chìa Vôi và khởi nghĩa Đoàn Trưng - “Vạn niên là Vạn niên nào. Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Nếu không có nạn Tây dương xâm lược thì hắn chắc làn sóng khởi nghĩa nông dân còn tiếp tục dâng cao, và chưa chừng sẽ đưa đất nước vào một thời kỳ mới tựa như Quang Trung đã từng đưa, trong cuộc đại phá quân Thanh đúng vào thời diễn ra Cách mạng tư sản Pháp - 1789.

Trên bối cảnh ấy mà tôi muốn gọi là “khó sống”, hiện lên những chân dung sừng sững như Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát; một người suốt đời lận đận, thăng trầm, lên voi xuống chó; một người lên đoạn đầu đài. Đó cũng là thời gian chứng kiến sự ra đi của thiên tài Nguyễn Du ở tuổi 55, mang theo xuống tuyền đài một nỗi đau không tan như chính những phận người ông đã vẽ nên trong Truyện Kiều bất hủ. Lùi về sau một ít đó là giấc mộng canh tân được nói đến trong lẻ loi và quá sớm mà không thành của Nguyễn Trường Tộ, qua đời ở tuổi 43.

Nửa đầu thế kỷ với bấy nhiêu tên tuổi bất hủ như thế trong một chuyển động lớn của lịch sử, trước khi bước vào nửa sau thế kỷ đất nước đứng trước hiểm họa xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Như vậy là từ các khoảng lùi lịch sử, chúng ta quen nhìn các đỉnh cao, trước hai yêu cầu lớn của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn. Nhưng chỉ các đỉnh cao chưa đủ cho sự hình dung gương mặt đầy đủ của lịch sử. Có nghĩa là hơi muộn, hoặc quá muộn, cho đến năm 2011, bạn đọc rộng rãi, trong đó có tôi, mới được biết, được làm quen với tên tuổi Phan Thúc Trực (1808- 1852), người sống trọn vẹn trong nửa đầu thế kỷ XIX, hoạt động qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Một tên tuổi vững vàng ở hai khu vực: văn chương và học thuật; trong tư cách nhà thơ, với Cẩm Đình thi tuyển tập, và là nhà viết sử trong Quốc sử di biên; cả hai, cho đến hôm nay đã được sưu tập, biên dịch, khảo chứng, giới thiệu, và ấn hành đầy đủ nhờ vào các chuyên gia ở Viện Hán Nôm, với sự hợp tác của gia tộc, dòng họ.

cam-dinh-thi-tap-2-1717690186.jpg
Cẩm Đình thi tuyển tập. Ảnh: Nhà sách Neta

Hai bộ sách giúp ta hình dung gương mặt và đóng góp của kẻ Sĩ, của giới trí thức Nho học trong suốt một hành trình dài dưới chế độ phong kiến và xã hội nông nghiệp Việt Nam, mà với Phan Thúc Trực và những người cùng thời với ông chỉ là một chặng.

Giữ mình cho trong sạch theo đạo lý Nho gia, được chỉ dẫn từ các kinh điển của thánh hiền; tiến vi quan thối vi sư; nhập thế làm quan thì sống cho trọn đạo vua tôi; xuất thế thì về với dân, sống với quê hương, làng mạc, gia tộc, dòng họ; nếu không thể lập thân hành đạo thì lui về lo chuyện tu thân, tề gia - đó là phương thức sống định hình hàng ngàn năm của kẻ Sĩ, đứng ở vị trí hàng đầu của tứ dân: Sĩ, nông, công, thương...

Nhưng là kẻ Sĩ họ có một cái vốn tri thức không phải chỉ để làm quan mà còn để làm người. Làm người, đó là một sự sống lương thiện, không gây tai tiếng; một sự sống đáng làm gương cho nhân quần và con cháu, trong đó trước hết là biết phân biệt tốt - xấu, thiện - ác, trung - nịnh, chính - tà... Không hiếm kẻ Sĩ thoái hóa mà một số đã được ghi vào sử sách; nhưng số kẻ Sĩ giữ được sự trong sạch của nhân cách cho bản thân chắc chắn vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn để làm nên một nền tảng học vấn và đạo lý cho nhân dân, cho dân tộc, suốt hàng ngàn năm.

Trên hành trình lịch sử thời trung đại, thuộc trong số những kẻ Sĩ chân chính như thế kể có hàng ngàn, nhiều ngàn; và mỗi triều đại, mỗi thế kỷ cũng có đến hàng trăm người - những khóa sinh, những ông cống, ông nghè; những người lĩnh các chức trách từ thấp lên cao trong bộ máy nhà nước phong kiến, từ kinh kỳ đến các địa phương.

Ai trong họ mà chẳng phải trải qua các cuộc khảo thí từ thấp lên cao, từ trường làng đến trường huyện, trường tỉnh; từ hương thí qua hội thi, đình thí... Ai mà không trải dăm lần mang theo lều chõng, bút nghiên. Chỉ cần bước chân vào trường khoa hoạn là họ đủ sức để làm thơ, phú, kinh nghĩa, văn sách. trước hết là để vượt các vũ môn, và sau đó là để ứng đối, thù tạc trong giới quan trường, hoặc đồng liêu, bằng hữu - nghĩa là một bộ phận công chúng hẹp.

Cái kho tri thức và kỹ năng được hiện thực hóa bằng chữ nghĩa, văn bản, vào một thời văn sử triết bất phân, thời văn chương nhằm chở đạo và nói chí đó, ở mỗi người, nếu được lưu lại bằng các phương tiện như thời nay thì có lẽ số giấy mực biên chép cũng là một con số khổng lồ. Đáng tiếc là hành vi đó đã không có, bởi việc làm thợ văn ở họ không phải để đến với công chúng rộng rãi, để được xem là một nghề, để mang tính chuyên nghiệp như thời hiện đại, phải đến Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu mới có thể xem là người khai sinh.

GS Phong Lê