Một định vị về Nguyễn Du cho hôm nay và cho mãi mãi

Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Truyện Kiều, tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Đại thi hào đã trở thành máu thịt của dân tộc, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, đặc biệt phổ biến tại Pháp, Mỹ, Nga..., cùng với những tác phẩm khác của ông, lại khiến toàn nhân loại phải đi sâu tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Đó là niềm tự hào lớn lao của dân tộc Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có được.
16957815383605-1716301936.jpg
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820). Ảnh: Internet

Răn đời và hiểu đời 

Trong trạng thái nguyên hợp văn - sử - triết, văn chương Trung đại Việt, cả Hán và Nôm đều tuân thủ triệt để nguyên tắc: Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí. Áng truyện thơ Nôm có giá trị lớn, đóng vai trò kết thúc truyện thơ lục bát dân tộc là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, dành cả phần mở đầu cho một tuyên ngôn: 

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình

Ngược về trước, từ cuối thế kỷ XVIII, khi trào lưu nhân đạo chủ nghĩa dâng cao qua rất nhiều truyện thơ như Hóa tiên, Phan Trần, Nhị độ mai, Sơ kính tân trang... đòi hỏi cho con người được phép yêu, có quyền yêu trong chống chọi với lễ giáo, hoặc dung hòa với lễ giáo, thì vành đai hoặc mạng lưới của đạo lý vẫn còn rất dày nặng.

Trong toàn cảnh sự kéo dài hàng ngàn năm thống trị của đạo lý phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí, mà hướng tới một bức tranh đời rộng lớn, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ “trăm năm trong cõi” một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ.

Ở bức tranh đời đó, lễ giáo gần như không có vai trò gì, thậm chí gần như không có mặt để cho con người chống chọi, hoặc tìm ra cách thỏa hiệp, như trong số rất lớn truyện thơ Nôm khác. Lễ giáo ở đây càng không gây cản trở gì cho tình yêu. Nguyễn Du đã để cho Kiều hết sức tự do trong tình yêu và không chỉ một cuộc tình, với một người là Kim Trọng...

Vậy là, dẫu với tất cả những hạn chế, ràng buộc của tư duy và phương thức miêu tả của văn chương trung đại, Nguyễn Du vẫn xây dựng được một thế giới nhân vật sống động làm nên bức tranh đời rộng lớn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều mà không có bất cứ tác phẩm nào trong văn học Việt, từ trung đại đến hiện đại, so sánh được. 

Trong bối cảnh của sự ra đời nhiều chục truyện thơ, trong đó có những truyện nổi danh như Phan Trần, Hoa tiên, Sơ kính tân trang... Truyện Kiều vẫn có thể thoát ra khỏi mặt bằng chung, để trở thành một hiện tượng thơ nổi bật, không bị khuất lấp bởi một bộ đồng phục cơ bản là giống nhau, ở khuôn hình văn chương và ý thức hệ. 

Biết bao nhiêu là nhân vật, có tên và không tên, đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của biết bao thế hệ công chúng suốt hơn 200 năm qua. Không kể Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan... Không kể Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ... Mà còn là Chung Công, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, Mã Kiều, bóng ma Đạm Tiên... Rồi còn là các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đỗ, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì”...

truyen-kieu-1-1716302282.jpg
Tranh minh họa Kim Trọng gặp Thúy Kiều. Ảnh: Internet

Quả không một truyện thơ Nôm nào từ thế kỷ XVII cho đến Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX đạt được một hiệu quả nghệ thuật hiện đại đến thế. Đã đành không khó nhận ra Nguyễn Du trong vai người can thiệp, với lời bình không cần che giấu, trước mọi tình huống và cảnh ngộ của nhân vật:

Trong tay đã sẵn đồng tiền 

Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì 

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về. 

Thương ôi tài sắc bậc này

Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần

Nhưng không có ở bất cứ nơi nào, một ý hướng giáo dục, khuyên nhủ, bảo ban, răn dạy người đọc như một nhà luân lý. Gần như tất cả, Nguyễn Du đều nhường phần đất rộng rãi nhất cho nhân vật, để cho nhân vật sống sự sống của bản thân nó, và tác động trực tiếp đến với người đọc mà không có bất cứ gián cách nào. Cổ nhiên, vẫn còn đó, hai chữ Tâm và Tài, để cho Nguyễn Du đặt ở cuối Truyện Kiều hai câu “kinh điển”: Thiện căn ở tại lòng ta - Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ. 

Và đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy”. Phải qua “những điều trông thấy” để đến với giá trị nhân văn “mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn. Cao Bá Quát đã rất tinh đời và sâu sắc khi nhận xét: “Kim Vân Kiều là tiếng nói hiểu đời. Hoa tiên là tiếng nói răn đời vậy!”. 

Với hiệu quả “hiểu đời”, Truyện Kiều không chỉ đã vượt ra khỏi quỹ đạo của thơ nói chí, văn chở đạo mà còn đạt được một hiệu quả nghệ thuật rất cao, và rất mới trong sự sống của nhân vật, xem ra phải đến chủ nghĩa hiện thực thời hiện đại mới thực hiện nổi. Điều này giải thích giá trị trường tồn của Truyện Kiều, bởi với Truyện Kiều, chỉ riêng Nguyễn Du, chứ không phải bất cứ ai khác là người đầu tiên báo hiệu sự dứt bỏ những rào cản lớn nhất trong phương thức tư duy và ý hướng đạo đức của văn chương trung đại. 

Thực và mơ 

Đời là thực - là “những điều trông thấy”. Nhưng đời còn có mơ, còn có thế giới trong mơ.

Với một “bức tranh đời”, hoặc “một tấn trò đời” - đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, văn học đã chuyển sang một bước ngoặt mới thuộc phạm trù hiện đại - nhằm giúp cho sự nhận diện bức tranh xã hội qua những chân dung và những mối quan hệ trần thế của con người. Khách quan, không che đậy, không tô điểm, không thi vị hóa, cũng không trốn lánh, quay lưng, chủ nghĩa hiện thực đã đóng vai một chứng nhân trung thực của lịch sử, giúp con người xác định một thái độ sống tích cực trước hiện thực.

Nhưng ngoài “những điều trông thấy” bằng mắt, và bằng tất cả các giác quan, thế giới Truyện Kiều còn bao gồm cả “những điều không thấy” nhưng vẫn hiện hữu, như một tồn tại khách quan, có liên quan đến con người. Nó là thế giới tâm linh, tồn tại trong mơ ước, suy tưởng, tưởng tượng để tạo một đối xứng giữa ảo và thực, giữa thực và mơ, nhằm nhân rộng ra các giới hạn sống, nó là những khát vọng khó hoặc không thể thực hiện trong cõi đời vào cái thời Nguyễn Du đang sống.

129764243-4141558045871414-3212406792868073303-n-1716302689.jpg
Tranh minh họa Đạm Tiên. Ảnh: Internet

Với Nguyễn Du, thế giới mơ hoặc ảo này gần như lúc nào cũng hiện hữu trong suốt cuộc đời Kiều. Bắt đầu từ hồn ma Đạm Tiên, trong cuộc du xuân của Kiều - Kim, như một nối kết vô hình với cõi dương, và bám đuổi Kiều sau bao nhiêu chìm nổi. Là hồn ma, là người của cõi âm, nên Nguyễn Du có một bút pháp khác.

Sương in mặt, tuyết pha thân

Sen vàng lãng đãng như gần như xa.

Cõi âm, một lần nữa đến với Kiều trong cơn gia biến, khi Kiều khẩn khoản là Thúy Vân thay mình, trong một cuộc “trao duyên”:

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa...

...

Mai sau dầu có bao giờ 

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió là hay chị về.

Dẫu bất cứ tình huống nào, Kiều cũng nhất quyết không rời cõi thế. Và như vậy cõi thế vẫn luôn luôn là sự có mặt của thế giới bên kia.

Ám ảnh Đạm Tiên như một tiên cảm về số phận mình, và những ký thác với em về tương lai sau cơn gia biến - đó là sự mở rộng không gian sống của một nhân vật gần như luôn trong trạng thái “Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”; bởi “Ma đưa lối, quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” như trong câu chuyện giữa Giác Duyên và sư Tam Hợp.

Như vậy là có thêm một thế giới khác trong tâm thức nhân vật chính để mở rộng tối ưu thế giới thực. Thế giới đó ngoài “nhân vật” Đạm Tiên, và ngoài cuộc trao duyên, Kiều tự đặt mình vào thế giới bên kia, có thể xem như hai tiểu cảnh ở nửa phần đầu truyện, còn là hai đại cảnh đặt ở phần nửa sau truyện. Đó là tình huống Kiều gặp Từ Hải, và Kiều sau cuộc trẫm mình ở sông Tiền Đường.

Kiều với Từ Hải có thể xem là một giấc mơ, như cách nói của Hoài Thanh. Giấc mơ Từ Hải, đối với Kiều rộng hơn rất nhiều một cuộc báo ân, báo oán. Bởi với Từ Hải, Kiều trở thành người đại diện cho rất nhiều khát vọng, không chỉ khát vọng của một phụ nữ phải gánh chịu gần như tất cả mọi đau đớn của trần gian, mà là của người dân, của mọi kiếp chúng sinh trong dày đặc những bất công của xã hội.

Lâu lắm rồi, hơn 50 năm đã qua, thế mà đoạn văn hào sảng của Hoài Thanh khi viết về Một giấc mơ, qua chân dung Từ Hải trong Chương Nguyễn Du của Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, đã in vào bộ nhớ của tôi ngay sau lần đọc đầu tiên: “Người bị oan phải được giải oan. Người có tội phải đền tội. Bao nhiêu dơ dáy phải được quét đi. Ai quét bây giờ? “Trăm do lấy nước làm sạch, nước dơ lấy gươm làm sạch. Phải có một cây gươm vung lên. Từ Hải đã đến đúng giữa lúc mọi người mơ ước và đã đáp ứng lòng mơ ước của mọi người”.

bai-tham-khao-so-5-623397-1716302690.jpg
Từ Hải và Thúy Kiều. Ảnh: Internet

Chính là hiện thân bằng xương thịt của một giấc mơ như thế nên Từ Hải đã gây nên sự phản ứng của chế độ phong kiến qua một đại diện là Tự Đức - người rất mê Truyện Kiều, nhưng vẫn đủ sự tỉnh táo và cảnh giác trong một răn đe: phải chi Nguyễn Du còn sống thì mọc ra mà đánh cho vài chục trượng!

Sau tan vỡ của giấc mơ Từ Hải, chỉ còn lại giấc mơ hậu Tiền Đường, để trở về với tâm thế tiếp nhận của công chúng Việt. Phải và đã có một cái hậu cho một phận người như Thúy Kiều - người có sứ mệnh gánh chịu mọi nỗi đau của một nửa nhân loại. Để cho Kiều được hưởng một ít bù đắp, không phải ở thế giới bên kia mà là ngay trong cõi đời này. Để nàng có thể điểm đủ mặt tất cả người thân: “Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột, này là em dâu”. Và nhất là để đi được tận cùng một chữ trinh, chỉ dành riêng cho Kim Trọng, sau 15 năm ê chề, nhục nhã:

Chữ trinh còn một chút này

Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan

Có một sự sống nào, từ “những điều trông thấy” mà mở ra nhiều biên độ sống như Truyện Kiều của Nguyễn Du?

Tự sự và trữ tình

Để ôm chứa dung lượng sống rộng lớn ấy, Nguyễn Du đã vận dụng một phương thức tự sự và trữ tình vượt ra khỏi mọi khuôn khổ và giới hạn của thơ văn Nôm đương thời. Lục bát - đó là thể thơ Nguyễn Du đã vận dụng để bao chứa tất cả “những điều trông thấy”. Lục bát, chứ không phải văn xuôi - vào thế kỷ XVIII và XIX đã có nhiều nhà Nho vận dụng để có Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Thượng Kinh ký sự của Lê Hữu Trác, không kể nhiều hình thức tản văn khác thường được các nhà Nho vận dụng xen kẽ với thơ Hán hoặc thơ Nôm.

Thơ Nôm Việt đã có từ đời Trần đến đời Lê. Nhiều tác phẩm khuyết danh bằng Nôm hoặc Hán viết theo thể Đường luật đã xuất hiện như Vương Tường, Tô công phụng sứ, Lục súc tranh công, Bạch Viên Tôn Các, Trê Cóc, Trinh thử. Chuyển sang thế kỷ XVIII thì truyện Nôm khuyết danh viết bằng lục bát là cả một phong trào, với rất nhiều tên truyện như Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trừu, Thoại Khanh Châu Tuấn... kéo dài cho đến Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu...

Điều này chứng tỏ thể lục bát bắt nguồn từ ca dao đã được vận dụng thích hợp cho loại hình tự sự nhằm kể chuyện đời, chung quanh một, hoặc một vài nhân vật chính, với đường đời tuy gặp nhiều chông gai, trắc trở nhưng cuối cùng đều có phúc, có phận. Trong bối cảnh đó, xuất hiện Truyện Kiều với 3254 câu lục bát, trong một kết nối nhằm thực hiện chức năng tự sự của một tiểu thuyết bằng thơ. Nhưng cùng với chức năng tự sự là kể chuyện đời, Truyện Kiều còn là một trường ca trữ tình với sự sống tâm trạng không chỉ của nhân vật chính mà là cả một hệ thống nhân vật gắn kết, mà mỗi người không chỉ có gương mặt riêng, số phận riêng của một Con người này, mà còn có ý nghĩa là sự kết tinh và đại diện cho nhiều cộng đồng người, nhiều lớp người trong xã hội.

Thành tựu thơ Hán và thơ Nôm thời Nguyễn Du còn được ghi nhận bởi những khúc ngâm - như Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, Ai tư vãn, Tự tình khúc, và phần nào cả Sơ kính tân trang.. Đây là một phương diện khác của sáng tạo, nghiêng về trữ tình mà tác giả là các bậc trí thức Nho sĩ có học và có nghề, như một đối ứng với các truyện thơ Nôm của dân gian, hoặc bình dân, thường là khuyết danh, nghiêng về tự sự. Đứng ở giữa hai phía đó, tạo được sự kết hợp tuyệt vời giữa tự sự và trữ tình, Truyện Kiều làm nên một đường ray (hoặc một đại lộ) cho văn học trung đại chuyển nhanh vào quỹ đạo hiện đại.

Điều rất nên lưu ý là cả 3254 câu thơ, câu nào cũng thực hiện được tối ưu cá hai chức năng tự sự và trữ tình. Rất khó tìm ra những câu vụng, dở. Xuân Diệu đã rất tỉ mẩn trong công việc tìm kiếm này, để chỉ tìm ra được một cặp đôi bí, ép

Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên

Bộ hành một lũ theo liền một khi.

Cùng với thể lục bát dân tộc, còn phải nói đến vẻ đẹp tuyệt vời của ngôn ngữ Việt, của tiếng Việt trong Truyện Kiều. Một ngôn ngữ phủ được khắp mọi mặt sự sống nhân sinh; mọi trạng thái tình cảm; mọi u uẩn, khuất khúc của tâm lý con người; và thật đột xuất là khả năng khắc họa tính cách nhân vật. Biết bao nhân vật là bấy nhiêu chạm khắc, chỉ trong một câu, hoặc một chữ. Một chữ “lẻn” dành cho Sở Khanh - “Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”. “Nhờn nhợt màu da” cho Tú Bà. “Mày râu nhẵn nhụi” và “Ghế trên ngồi tót” cho Mã Giám Sinh. “Nghe càng đắm, ngắm càng say” và “ngây vì tình” cho Hồ Tôn Hiến...

bai-ma-giam-sinh-mua-kieu-1716302895.jpg
Tranh minh họa cảnh Mã Giám Sinh mua Thúy Kiều. Ảnh: Internet

3254 câu với 22.778 chữ (từ) được dùng, gần như không có câu nào, chữ nào là cũ, là cổ. Tất cả cứ vẹn nguyên, mới tinh như thế cho đến thời hiện đại, mà đi vào bộ nhớ của hàng triệu, nhiều triệu công chúng Việt. Trong khi đó, gần như hầu hết, nếu không nói là tất cả truyện thơ Nôm trung đại, kể cả những áng có độ kết tinh cao về nghệ thuật của các nhà Nho cho đến Lục Vân Tiên gần như đã đi vào lịch sử.

Một tiếng Việt của Truyện Kiều, của Nguyễn Du là một tiếng Việt dành cho muôn đời. Hơn 90 năm về trước, vào năm 1924, đã diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt chung quanh câu nói của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu nói đó sai đúng đến đâu vẫn còn cần thêm thời gian để suy ngẫm. Ngót 20 năm sau cuộc tranh luận, trong sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã dẫn câu này của Phạm Quỳnh vào đầu sách, để về sau, sau 1945 ông xem đó là “sai lầm thảm hại nhất”, cùng với việc phủ nhận triệt để giá trị của Thơ mới và Thi nhân Việt Nam, in năm 1942, cho đến năm 1982 là năm ông qua đời, với lời dặn con trai trưởng Từ Sơn về chính giá trị để đời của Thi nhân Việt Nam: “Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”.

Dẫn câu nói của Phạm Quỳnh ở thời điểm 1942, Hoài Thanh có chủ ý tìm sự hưởng ứng cho một giải thích của ông về giá trị và thành tựu của Thơ mới. Đó là: “Họ (các nhà Thơ mới) đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.

Chúng ta hôm nay có một tiếng Việt của bao thế hệ cha ông; một tiếng Việt có nguồn cội từ nhiều nghìn năm, trong đó ở đỉnh cao, luôn cập được các bến bờ thời sự, đó là tiếng Việt của Nguyễn Du, được kết tinh trong Truyện Kiều; đề, với Truyện Kiều, nói như Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”.
 
Trở lại với cõi đời, với bức tranh đời cùng với thế giới nhân vật cực kỳ sống động qua ngôn ngữ của Nguyễn Du. Đó là thế giới để mà yêu, mà ghét, mà thương, mà giận, mà trọng, mà khinh...; mỗi trạng thái tình cảm ấy đều tìm được đối tượng cho sự ứng đối và chia sẻ. Nhưng lại có những nhân vật không thể ứng xử đơn giản, rạch ròi như thế - như Hoạn Thư: “Ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Một câu thơ toàn Nôm, thuần Việt có ở mọi cửa miệng dân gian. Hoặc như Thúc Sinh, anh nhà buôn lấy vợ con nhà quan, quen thói bốc rời và sợ vợ, thế mà đã được hưởng ở Kiểu một nỗi nhớ tuyệt vời đến thành cổ điển:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi 

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường

Cũng một câu thuần Nôm, nhưng đến từ tri thức bác học. Đó là câu Nguyễn Du mượn từ hai câu thơ cổ “Thùy bả kim bôi phân lưỡng đoạn/ Bán trầm thủy để, bán phù không”. (Ai cầm chén vàng chia ra hai nửa/ Nửa chìm đáy nước, nửa trôi trên không). Thuần Hán đến thế mà khi chuyển sang tiếng Việt thì đó là sự lấp đầy một trăm phần trăm của hồn Việt; không còn một chút dấu ấn, hình tích gì của câu thơ Hán. Kết hợp và gắn nối ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học trong mọi biên độ rộng lớn của nó để thực hiện tối ưu chức năng tự sự và chức năng trữ tình như trong Truyện Kiều, đó chính là lý do làm nên tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trong lịch sử văn chương Việt.

Truyện Kiều là truyện cho muôn người, cho mọi nhà, và cho mọi thời. Đọc Truyện Kiều, dường như ai cũng thấy số phận của mình trong đó, để giải thích hiện tượng tập Kiều, lầy Kiều, bói Kiều trong ngót 200 năm qua. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại. Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm hôm nay, năm 2024, nhân 259 năm sinh Đại thi hào; cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi của Nguyễn Du, mà là nghìn năm - Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du, như khẳng định của Tố Hữu.

Phải bao gồm, phải gắn kết, phải xuyên thấm cả hai phương diện đó, mới đúng là Nguyễn Du, mới tạo nên sự sống trường tồn của tác phẩm Nguyễn Du. Và đó chính là cơ sở cho một định vị về Nguyễn Du, cho hôm nay, và cho mãi mãi.

GS. Phong Lê