
Luật Du lịch 2017 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Sau hơn 5 năm Luật được triển khai thực hiện, so với Luật Du lịch 2005 đã có nhiều điểm đổi mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và công dân.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Du lịch đã bộ lộ một số hạn chế cần điều chỉnh. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đề cập một số bất cập đối với hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Hy vọng, những vấn đề nêu ra sẽ được những nhà làm Luật nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Tại điểm 1, Điều 62, Chương VI, quy định: “Hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa làm thủ tục đề nghị cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch khi thẻ hết hạn sử dụng”. Vậy được hiểu, hướng dẫn viên chỉ có thể đổi thẻ khi thẻ đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế hướng dẫn viên cần sử dụng thẻ khi hành nghề và tính chất công việc của hướng dẫn viên không cố định về thời gian. Vì vậy xuất hiện tình huống thẻ hướng dẫn viên bị hết hạn trong thời gian đang đi đoàn và hướng dẫn viên sử dụng thẻ hướng dẫn viên hết hạn sẽ bị xử phạt theo quy định. Thiết nghĩ, Luật nên sửa đổi “trong vòng…ngày hướng dẫn làm thủ tục đổi thẻ khi thẻ đến hạn đổi thẻ”. Như vậy, hướng dẫn viên có thể đổi thẻ trong khoảng thời gian trước, trong và sau thời hạn thẻ hết hạn. Điều này, giúp hướng dẫn viên có sự chủ động hơn trong việc làm thủ tục đổi thẻ theo quy định, đảm bảo không vi phạm lỗi sử dụng thẻ hết hạn khi dẫn đoàn.
Tại mục c, điểm 1, Điều 59, Chương VI quy định về điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên như sau: “không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy” quy định này là chưa cụ thể và cũng chưa có Thông tư hướng dẫn về nội dung này. Bởi theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 tại Điều 3. Phân loại bệnh truyền nhiễm quy định 03 nhóm bệnh: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh; Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong; Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm được quy định trong Luật này với gần 100 loại bệnh. Để thực hiện nội dung này theo quy định của Luật Du lịch 2017, cơ quan quản lý du lịch địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận giấy khám sức khỏe sẽ là loại giấy khám sức khỏe như thế nào và sẽ cần có những loại test bệnh truyền nhiễm nào trong giấy khám sức khỏe của hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên. Ngoài ra cũng trong nội dung quy định này của Luật Du lịch quy định “không sử dụng chất ma túy” cũng gây khó cho cơ quan quản lý du lịch địa phương và công dân có nhu cầu cấp thẻ hướng dẫn viên. Bởi trên thực tế hiện nay có rất nhiều loại chất gây nghiện, chất kích thích với thành phần, cách thức sử dụng khác nhau. Cho nên Luật cũng cần có quy định rõ về việc sử dụng chất gây nghiện, ma túy.

Mục b, điểm 2, Điều 59, Chương VI quy định: “tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành hướng dẫn du lịch; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế”. Căn cứ theo quy định này, công dân có bằng Trung cấp hướng dẫn du lịch vẫn phải học chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế mới được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Nhưng trên thực tế, nội dung học Trung cấp hướng dẫn du lịch đã bao gồm nội dung, thậm chí chuyên sâu hơn nội dung đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế. Vì vậy, thiết nghĩ Luật Du lịch nên điều chỉnh chuyên ngành hướng dẫn viên từ bằng cao đẳng hướng dẫn du lịch sang bằng trung cấp hướng dẫn du lịch và bổ sung nội dung có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Mục c, điểm 2, Điều 59, Chương VI quy định: “sử dụng thành thạo ngoại ngữ đăng ký hành nghề”. Tuy nhiên trên thực tế nhiều hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ khác với ngoại ngữ đăng ký trên thẻ hướng dẫn viên, ví dụ: hướng dẫn viên quốc tế đăng ký ngoại ngữ tiếng Anh nhưng dẫn khách du lịch bằng tiếng Trung Quốc. Để đảm bảo hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ đúng với ngoại ngữ đăng ký hành nghề, đề nghị Luật bổ sung nội dung “hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ đúng với ngoại ngữ đã đăng ký hành nghề ghi trên thẻ hướng dẫn viên được cấp”.
Điều 61 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm không có nội dung về trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên; không ghi rõ các quy định về các khu/điểm du lịch hướng dẫn viên có thể đăng ký; không quy định về trình độ ngoại ngữ. Điều này vô hình chung gây ảnh hưởng đến chất lượng của hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Sự vận động và phát triển của xã hội đôi khi nhanh và phức tạp hơn so với các chế tài được ban hành. Việc Luật ngay từ khi ban hành đã cần có các Văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn để đảm bảo triển khai Luật một cách chính xác và hiệu quả là quy luật tất yếu và những điều chỉnh Luật là cần thiết. Chính vì vậy, những lỗ hổng tồn tại trong quy định của Luật Du lịch 2017 về hoạt động cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều chỉnh kịp thời những thiếu sót là việc nên làm. Hy vọng những vấn đề nêu trên sẽ được các nhà làm Luật, các cơ quan quản lý du lịch các địa phương trên cả nước và hướng dẫn viên cùng chia sẻ, sớm thống nhất và có điều chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo việc triển khai và thi hành Luật Du lịch một cách hiệu quả, dễ thực hiện và đảm bảo đúng mục đích, đúng Luật.