Nhiệt huyết “trồng người” nơi vùng cao biên giới

Lương Đàm
Cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô luôn tiên phong, sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao biên giới.

Bồi đắp tiếng Việt cho học sinh vùng cao

Đến Trường mầm non Hương Lâm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô Hồ Thị Dói là gương mặt xinh đẹp, nụ cười tươi và giọng nói nhẹ nhàng, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi và ân cần với các em học sinh. Chứng kiến giờ giảng dạy tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh vùng cao của cô Hồ Thị Dói đã mang đến cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Cô truyền đạt tới các em nhiều từ vựng tiếng Việt thông qua các hình thức đa dạng và phong phú.

1-1704629346.jpg
Cô giáo Hồ Thị Dói tận tình hướng dẫn tăng cường tiếng Việt cho học sinh. 

Theo cô Hồ Thị Dói, Trường mầm non Hương Lâm đứng chân ở vùng biên Lâm Đớt, tiếp giáp với nước bạn Lào, là địa bàn khó khăn nhất của huyện A Lưới. Trường có 4 cơ sở nằm rải rác thuộc xã Lâm Đớt và Hương Phong, cách xa nhau khiến đội ngũ giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác trao đổi thông tin cũng như nắm chất lượng giảng dạy. Đặc biệt, các em học sinh nơi đây 98% là người đồng bào dân tộc Cơ Tu; đa số trẻ không hiểu tiếng Việt, cơ bản giao tiếp với cô, bạn bè bằng tiếng đồng bào. Tiếng Việt đối với các em như một rào cản về mặt ngôn ngữ, dẫn đến rụt rè khi giao tiếp. Do đó, đội ngũ giáo viên truyền đạt kiến thức cho học sinh gặp không ít khó khăn.

Để khắc phục khó khăn trên, cô Hồ Thị Dói mạnh dạn tham mưu với nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Trò chuyện với chúng tôi, cô Hồ Thị Dói cho biết: “Trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, chúng tôi tăng cường tiếng Việt giúp các em phát triển ngôn ngữ, mở rộng vốn từ thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm; cho trẻ múa, hát tái hiện lại các lễ hội truyền thống của địa phương như: Lễ hội A Za Cooh, A riêu ping… Thông qua đó các em được trải nghiệm phát triển vốn từ quen thuộc của địa phương, gia đình với những nguyên vật liệu gần gũi như là cái gùi, cồng, chiêng, bát, đũa… Bên cạnh đó, tôi tham mưu cho nhà trường mua thêm trang thiết bị đồ chơi để tạo thêm nhiều khu vực vui chơi phong phú, đa dạng cho trẻ. Qua đó, các em đã biết giao tiếp tiếng Việt cùng cô, bạn bè và mạnh dạn thể hiện mình”.

Để bồi đắp vốn tiếng Việt cho trẻ, cô Hồ Thị Dói còn tham mưu với nhà trường tổ chức Hội thi tăng cường tiếng Việt cho trẻ cấp trường. Cùng với đội ngũ giáo viên trong trường, qua thời gian tổ chức cho các em ôn luyện, tham gia cuộc thi, cô Hồ Thị Dói và đồng nghiệp luôn chủ động, sáng tạo những vở kịch hay, nội dung phù hợp với lứa tuổi của các bé để tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Bằng sự tận tâm, tận tụy, nhiệt huyết của tuổi trẻ với nhiều phương thức phù hợp, lớp cô Hồ Thị Dói đoạt giải nhất cấp trường, tham gia giao lưu cấp huyện và được công nhận xuất sắc.

2-1704629346.jpg
Cô giáo trẻ thuyết trình trong Hội thi sưu tầm và làm đồ dùng địa phương năm học 2023-2024. 

Sinh ra và lớn lên ở A Lưới, nhận thấy quê hương mình còn nhiều khó khăn, nhiều em học sinh phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình, ngay từ nhỏ Hồ Thị Dói đã ước mơ được đứng trên bục giảng, gieo mầm con chữ cho các em học sinh vùng cao biên giới. Sau 3 năm vượt qua bao khó khăn, cần cù học tập, tốt nghiệp loại giỏi, cô giáo trẻ tình nguyện xin về công tác nơi biên cương xứ Huế.

Mỗi ngày vượt qua hơn 60km từ nhà đến trường trên những con đường quanh co với bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy rình rập, nhất là mùa mưa bão, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá rất cao, thế nhưng không làm chùn bước chân cô giáo trẻ. Với cô, những ánh mắt thân thương, hồn nhiên đang đón chờ cô vào lớp là niềm vui, trách nhiệm và là niềm tự hào, hạnh phúc đối với giáo viên mầm non ở vùng cao biên giới.

Hết lòng vì tương lai con trẻ

Chị Hồ Thị Hiền, mẹ của em Hồ Quang Huy, học sinh Trường Mầm non Hương Lâm, chia sẻ: “Nhà tôi nghèo, quãng đường Huy đi học từ nhà đến trường khá xa, gia đình không có điều kiện để đưa con đến trường đầy đủ. Cháu còn bị chậm phát triển về thể chất, không như các bạn cùng trang lứa, tháng nào tôi cũng phải xin cô cho con nghỉ học để điều trị. Cô Hồ Thị Dói đã kêu gọi các chị em đồng nghiệp, bạn bè cũng như phụ huynh trong lớp hỗ trợ cho con tôi có tiền viện phí, mong con khỏe để sớm ngày được đến lớp. Ngoài ra, cô Dói còn cùng nhà trường xin nhận nuôi và kêu gọi các đồng nghiệp mỗi tháng trích ra 10.000 đồng để hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi rất biết ơn và đã thấu hiểu chỉ có con đường học mới có thể thoát nghèo, thường xuyên quan tâm để con đến trường đầy đủ hơn, nghe lời thầy cô, bố mẹ”.

Là một Bí thư chi đoàn, cô Hồ Thị Dói rất năng nổ, nhiệt huyết tham gia các hoạt động phong trào. Hầu hết các hoạt động của nhà trường, địa phương đều có hình ảnh, dấu ấn của cô giáo trẻ Hồ Thị Dói. Nhận thấy nhà trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cô cùng với các đoàn viên trong chi đoàn làm đồ dùng, đồ chơi; kêu gọi phụ huynh chặt tre để tạo những chiếc xích đu, bấp bênh cho các con.

Đặc biệt, từ bàn tay khéo léo của mình, cô Dói đã chuyển hóa những bức tường phủ đầy rêu xanh trở thành khung cảnh đẹp đẽ với những con vật ngộ nghĩnh, cảnh vật đầy màu sắc. Vào dịp Tết đến, xuân về, cô kêu gọi cán bộ, đoàn viên thanh niên ủng hộ nhiều suất quà trao tặng học sinh nghèo vượt khó, tiếp thêm một niềm vui để các em phấn khởi đến trường.

3-1704629346.jpg
Lớp của cô Hồ Thị Dói đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. 

Với phương châm 4 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng đồng bào” với các em, cô giáo trẻ Hồ Thị Dói đã ươm mầm con chữ tại các thôn, bản vùng cao biên giới. Vinh dự và tự hào hơn đối với cô là được kết nạp vào Đảng, được cống hiến tuổi trẻ của mình cho Đảng, cho quê hương vùng biên viễn nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Cô Hồ Thị Dịu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Lâm cho biết: “Cô giáo Hồ Thị Dói là giáo viên trẻ nhiệt huyết, năng động, sáng tạo; chủ động giải quyết những khó khăn, đề ra giải pháp hữu hiệu để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; tham gia các hội thi đều đoạt giải nhất, nhì cấp trường, cấp huyện. Cô Dói có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết và được nhà trường giao trách nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn mẫu giáo 5-6 tuổi. Cô luôn gần gũi, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp; được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh yêu mến”.