Đề xuất bỏ ngạch công chức, sắp xếp vị trí việc làm theo thứ bậc

Mới đây, trong Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã đề xuất “bỏ ngạch công chứng”, thay vào đó quy định về “hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo luật hiện hành, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, tại dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về ngạch công chức (Điều 42 đến Điều 46), thay vào đó Chính phủ sẽ quản lý theo vị trí việc làm.

bo-ngach-cong-chuc-1-1744097594.jpg
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Cụ thể, dự thảo quy định “hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với tổ chức của các cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã”.

Theo cơ quan soạn thảo, việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quản lý công chức và trả lương theo nguyên tắc "làm ở vị trí việc làm nào thì hưởng mức lương tương ứng của vị trí việc làm ấy".

Về phân loại, vị trí việc làm của công chức gồm: Lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ. So với quy định hiện hành, dự luật bỏ "chuyên môn dùng chung". Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.

Cơ quan quản lý có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với cán bộ, nội dung phân loại gồm vị trí việc làm; tiêu chuẩn chức vụ, chức danh; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Vị trí việc làm của cán bộ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định, hướng dẫn.

Nguyên tắc, phương pháp, trình tự, bản mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm; hệ thống vị trí việc làm; trách nhiệm, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, ban hành vị trí việc làm; quản lý việc làm của công chức dự kiến được Quốc hội giao Chính phủ quy định.

Cơ quan soạn thảo cho rằng Luật hiện hành quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ là chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm.

Đồng thời, khái niệm vị trí việc làm trong Luật là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức, dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lặp với tiêu chuẩn ngạch công chức. Các tiêu chuẩn này không rõ về yêu cầu kết quả, sản phẩm công việc nên phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.

Hương Trà (TH)