Từ người phụ hồ trở thành cô giáo dạy nghề đan giỏ

Kinh tế gia đình khó khăn, người phụ nữ ở Cà Mau cùng chồng đi Bình Dương làm hồ. Trong quá trình làm hồ, bà tự học cách đan giỏ xách, rồi về quê khởi nghiệp. Cơ sở của bà có nhiều người xin vào học nghề nhưng bà không thu học phí.

Cách nay gần 20 năm, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (ở xã Trần Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau) lên Bình Dương làm thợ hồ kiếm sống. Chồng làm thợ, còn bà bưng bê gạch hỗ trợ thợ xây. Mỗi kiện gạch đều được cố định lại bằng dây nhựa, khi tháo bỏ dây, bà Phượng thấy bỏ đi lãng phí nên đã gom về mày mò đan thành những chiếc giỏ xách dùng trong gia đình.

Có lần, người em sang chơi, khen giỏ bà làm đẹp đã được bà đã tặng 1 cái. Sau đó, người này đã hỏi mua sản phẩm giùm bạn bè của mình. Từ đó, bà Phượng đã mua vật liệu về làm ra những sản phẩm bắt mắt hơn bán cho bạn bè, người quen tăng thu nhập. Đến năm 2009, hai vợ chồng tích góp được số vốn đã quyết định về huyện U Minh, tỉnh Cà Mau mua đất rừng canh tác và người phụ nữ cũng bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề đan giỏ xách nhựa. Không lâu sau, mô hình của bà được cơ quan chức năng địa phương biết đến, Trung tâm Đào tạo việc làm huyện U Minh đã liên hệ bà dạy nghề, giúp những người phụ nữ thiếu việc làm ở địa phương cùng phát triển.

1-ba-nguyen-thi-phuong-duoc-truong-day-nghe-danh-gia-co-tay-nghe-cao-1678161819.jpg
Bà Nguyễn Thị Phượng được trường dạy nghề đánh giá có tay nghề cao

“Tôi thấy nghề này rất phù hợp, rảnh giờ nào làm giờ đó, ban đêm mình tranh thủ cũng làm được. Đan được thì mình mang bán ngoài chợ hoặc giới thiệu cho bà con dòng họ mình mua cũng được, giá cả cũng phù hợp”, chị Mai Ngọc Bích, một học viên tham gia lớp học của bà Phượng chia sẻ.

Đến năm 2017, hai vợ chồng bà Phượng quyết định về quê ở xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau để mở rộng cơ sở đan giỏ xách nhựa quy mô hơn. Đồng thời, người phụ nữ ham học hỏi cũng tích cực tham gia các Hội chợ trong ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó, sản phẩm giỏ xách nhựa của bà được nhiều người tiêu dùng biết đến và vinh dự hai lần đạt chứng nhận "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu" của tỉnh Cà Mau.

Nhiều phụ nữ tại địa phương thấy công việc đan giỏ xách phù hợp để tăng thu nhập đã đến xin học nghề, bà luôn sẵn lòng chỉ dạy. Điều đáng quý là cơ sở của bà Phượng không bao giờ thu tiền học phí. Học viên cũng được sở hữu tất cả sản phẩm mình tạo ra, điều duy nhất họ phải làm là mua nguyên liệu làm giỏ từ cơ sở với giá không bao giờ cao hơn giá thị trường. Đặc biệt, khi đơn vị nào tại địa phương tập hợp được một nhóm chị em học nghề thì chồng sẽ chở bà đến tận nơi chỉ dạy họ đan giỏ. Những người này chỉ cần lo cho vợ chồng bà ăn uống, ngoài ra không tốn chi phí nào khác.

2-tai-co-so-cua-ba-phuong-luon-co-nhieu-hoc-vien-xin-hoc-nghe-1678161820.jpg
Tại cơ sở của bà Phượng luôn có nhiều học viên xin học nghề

“Cô chỉ tận tình, sai ở đâu thì cô chỉ ở đó. Chị em tôi học thấy dễ hiểu. Học ở đây được 5 tuần rồi, tôi làm được 10 sản phẩm. Rất là vui vì mình có nghề để sau này kiếm thêm thu nhập trong cuộc sống”, chị Nguyễn Thị Trúc Mộng, học viên đang học nghề phấn khởi nói.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất đời mình trong quá trình đi dạy nghề, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, bản thân chỉ học hết lớp 8. Bà đã mất ngủ cả đêm khi lần đầu được mời đến trung tâm dạy nghề. Nghề đan giỏ thì bà có, nhưng cách truyền dạy nghề thì bà không biết nên rất lo lắng. Đến nay, đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đi dạy nghề nhưng khi được cơ quan chức năng mời dạy bà vẫn run. Tuy nhiên, người cô từng làm phụ hồ không bao giờ từ chối, vì những người đi học nghề đa số đều có hoàn cảnh khó khăn và họ cũng có ý chí muốn vươn lên như hồi bà còn khó khăn.

“Ban đầu dạy hồi hộp lắm. Nhất là khi có người gọi cô ơi một cái thì lo lắng lắm, không biết mình có dạy được không. Người ta giáo viên thì khác, mình dạy nghề vừa mừng vừa lo sợ, không biết có dạy học sinh làm thành sản phẩm được hay không”, bà Phượng kể lại.

3-nho-duoc-nguoi-phu-nu-tung-lam-ho-truyen-day-nghe-ma-nhieu-phu-nu-o-dia-phuong-co-them-thu-nhap-1678161820.jpg
Nhờ được người phụ nữ từng làm hồ truyền dạy nghề mà nhiều phụ nữ ở địa phương có thêm thu nhập

Bởi sự nhiệt thành, tính nhân văn trong việc dạy nghề, đặc biệt là con đường vươn lên từ khó khăn của bản thân mà bà Nguyễn Thị Phượng đã được nhiều trường nghề tại Cà Mau mời dạy.

“Chúng tôi đánh giá rất cao cơ sở đan đát Mỹ Phượng. Thứ nhất là về tay nghề, cô Mỹ Phượng tôi thấy có thể đạt đến trình độ nghệ nhân. Đối với học viên cô dạy, cô luôn sẵn sàng tiếp nhận họ vào cơ sở làm hoặc họ có thể nhận mang sản phẩm về nhà làm, tranh thủ lúc rảnh rỗi tăng thu nhập cho gia đình. Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn cơ sở đan lát Mỹ Phượng đã hỗ trợ nhà trường trong công tác đào tạo”, bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu Trưởng trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc cho biết.

Bên cạnh sản phẩm làm giỏ xách nhựa, bà Nguyễn Thị Phượng còn tự mày mò làm được nhiều sản phẩm khác từ dây nhựa như: bàn, ghế, chiếu, lồng bàn... và truyền dạy tất cả cho các học viên của mình. “Người cô không bằng cấp” đã giúp hơn 1.000 học viên tạo ra các sản phẩm không chỉ phục vụ sinh hoạt trong gia đình, mà còn giúp tăng thu nhập. Thiết thực nhất là giúp chị em phụ nữ ở nông thôn có việc làm, không ngừng nâng cao đời sống kinh tế. Gần đây, bà Phượng đang định hướng phát triển thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bà đã cho ra đời các loại giỏ xách làm từ cây bồn bồn và đang làm các sản phẩm khác từ thân cây chuối./.